Theo đài Sputnik và báo Eurasian Times hôm 8-7, trang blog hàng không Fighter Jets World dẫn nguồn tin tình báo chi biết quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã thử nghiệm hệ thống S-400 tại căn cứ không quân Murted, ngoại ô thủ đô Ankara. Thời gian thử nghiệm bắt đầu từ hôm 4-7 và dự kiến kéo dài cho đến hôm 26-11 năm nay.
Thổ Nhĩ Kỳ được cho là tiến hành thử nghiệm S-400 bất chấp cảnh báo từ Washington rằng việc kích hoạt hệ thống mua của Nga có thể dẫn đến lệnh trừng phạt mới đối với Ankara.
S-400 là hệ thống phòng không di động tiên tiến nhất trong kho vũ khí của Nga. Ảnh: Sputnik
Trong khi đó, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố họ vẫn kiểm soát chặt chẽ quá trình thử nghiệm S-400. Ankara cũng chỉ xác nhận F-16 và các chiến đấu cơ khác của không quân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thực hiện các chuyến bay thử cao và thấp trong vùng lân cận của lãnh thổ nước này.
Tuy nhiên, một bức ảnh chưa được xác thực cho thấy một máy bay do Mỹ sản xuất bay qua căn cứ không quân Murted, bên dưới mặt đất là các thành phần của S-400, bao gồm hai radar 91N6E và 96L6E, hoạt động.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được cho là thử nghiệm thực địa hệ thống phòng không S-400 mua của Nga
Đài TRT World trước đó công bố một đoạn video quay cảnh các radar của S-400 hoạt động trong khi các chiến đấu cơ bay trên không. Nếu được chứng minh, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu thử nghiệm S-400 với mục tiêu là các chiến đấu cơ do Mỹ sản xuất từ tháng 11-2019. Hiện chưa rõ phạm vi thử nghiệm và Ankara chỉ lên kế hoạch cho S-400 hoạt động đầy đủ vào tháng 4 vừa qua.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không do Nga sản xuất khiến quan hệ giữa Ankara và Washington sứt mẻ. Mỹ sau đó loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình phát triển chiến đấu cơ F-35 bất chấp Ankara là đối tác cấp cao, đồng thời đe dọa trừng phạt thông qua Đạo luật CAATSA (dành cho quốc gia mua vũ khí do Nga sản xuất).
Đầu tuần này, một nhóm thượng nghị sĩ của lưỡng đảng Mỹ đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper nhanh chóng loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chuỗi cung ứng F-35.
S-400 là hệ thống phòng không di động tiên tiến nhất trong kho vũ khí của Nga. Nó có khả năng bắn hạ máy bay, máy bay không người lái (UAV), tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình ở cự ly tới 400 km. Ngoài Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, hệ thống này còn được cung cấp cho Trung Quốc và Belarus.
Bình luận (0)