Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 bị xem là vi phạm Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA).
Dự luật trên chuẩn bị được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ. Nếu qua ải này, dự luật cần được Hạ viện thông qua và có chữ ký của Tổng thống Donald Trump mới trở thành luật.
Các thành phần đầu tiên của S-400 được đưa đến Thổ Nhĩ Kỳ hôm 12-7. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm 11-12 tuyên bố các nghị sĩ Mỹ phải hiểu rằng trừng phạt sẽ không đi đến đâu. "Nếu họ có thái độ tiêu cực đối với chúng tôi, chúng tôi sẽ trả đũa" - ông cảnh báo.
Nội bộ Thượng viện đang có sự chia rẽ về dự luật, có tên gọi đầy đủ là "Đạo luật thúc đẩy an ninh quốc gia Mỹ và ngăn cản sự trỗi dậy của IS (tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng) 2019".
Những người ủng hộ nói đây là cơ hội để "thay đổi hành vi" của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng dự luật có thể làm suy yếu quyền lực của Tổng thống Donald Trump và làm khó nỗ lực thương thảo với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan về những vấn đề như thương vụ S-400 và tình hình Syria.
Nhìn chung, nhiều nghị sĩ Mỹ tỏ ra giận dữ với chuyện Ankara quyết mua S-400 và xem hệ thống này là mối đe dọa đối với năng lực phòng thủ của NATO. Họ cũng chỉ trích ông Trump vì quyết định rút quân khỏi miền Bắc Syria, dọn đường cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công khu vực của lực lượng người Kurd từng chiến đấu chống lại IS.
Căn cứ không quân Incirlik. Ảnh: AP
Quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên xấu đi trong những năm gần đây vì một loạt bất đồng. Sự xuống thang này có thể tăng tốc sau khi ông Cavusoglu cảnh báo các căn cứ của Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể gặp chuyện nếu Ankara bị trừng phạt.
"Cả căn cứ không quân Incirlik và căn cứ radar Kürecik có thể được đưa vào chương trình nghị sự của chúng tôi" - Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo.
Căn cứ không quân Incirlik có vai trò chiến lược quan trọng đối với Washington tại khu vực và được cho là có chứa vũ khí hạt nhân Mỹ. Trong những lần hục hặc trước đó, Ankara đã đe dọa đóng cửa Incirlik hoặc đình chỉ các hoạt động của Mỹ tại đó.
Incirlik lâu nay vẫn được xem là đòn bẩy của Ankara đối với Washington nhưng một số nhà phân tích cho rằng điều này có thể thay đổi.
Chuyên gia Soli Ozel của Trường ĐH Kadir Has (Thổ Nhĩ Kỳ) cho biết Mỹ đang đầu tư vào những căn cứ khác, từ đó giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của lời đe dọa đóng cửa Incirlik.
Bình luận (0)