Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho đài TRT biết 2 nghi phạm bắn súng máy và kích nổ đai lưng thuốc nổ bên ngoài sân ga trước khi vượt qua trạm kiểm soát an ninh đầu tiên.
Sau đó, Thống đốc Istanbul khẳng định có tới 3 kẻ tấn công tự sát. Tổng cộng 49 xe cứu thương đã được gửi đến sân bay, theo Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ. Đa số nạn nhân là người Thổ Nhĩ Kỳ nhưng cũng có người nước ngoài.
Đài BBC dẫn nguồn tin cho hay 1 trong 3 kẻ tấn công sử dụng súng trường Kalashnikov tại lối vào khu vực nhà ga đi quốc tế. Khi bị cảnh sát bao vây và tấn công, các nghi can lập tức kích hoạt đai lung thuốc nổ để tự sát. Vụ tấn côn có vẻ được chuẩn bị và phối hợp kỹ càng, theo BBC.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lên án vụ tấn công: “Chúng tôi hy vọng cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước phương Tây, duy trì lập trường vững chắc để chống lại chủ nghĩa khủng bố”.
Chính phủ Mỹ mô tả vụ tấn công là "ghê tởm", đồng thời cam kết ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống khủng bố. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier gửi lời chia buồn và tuyên bố Berlin sẽ sát cánh cùng Ankara.
Vụ tấn công xảy ra lúc 22 giờ tối 28-6, giữa thời điểm sân bay đang đông đúc.
Nhân chứng Susie Roos đến từ Nam Phi kể với đài BBC rằng anh nhìn thấy một nghi can mặc đồ đen lang thang trong khu vực, tay cầm một khẩu súng lục. Khi Roos cùng người bạn Paul đi lên thang cuốn, họ nghe tiếng súng vang lên.
"Có một tiếng nổ rất lớn. Mái sập xuống. Cảnh tượng bên trong thật kinh hoàng. Thiệt hại rất lớn" - một nhân chứng tên Ali Tekin bàng hoàng kể lại.
Một người Đức tên Duygu sợ hãi không kém: "Tất cả mọi người đều chạy tán loạn. Máu đầy mặt mũi, cơ thể họ. Tôi còn thấy những vết đạn trên sàn".
Sân bay Ataturk là sân bay lớn thứ 11 trên thế giới, phục vụ khoảng 61,8 triệu lượt khách vào năm 2015.
Sân bay Ataturk từ lâu đã được xem là một mục tiêu khủng bố tiềm tàng. Có máy quét X-quang đặt tại sân ga nhưng quá trình kiểm tra an ninh đối với xe hơi bị hạn chế.
Tất cả chuyến bay đến và đi tại Ataturk bị trì hoãn sau vụ khủng bố. Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cũng yêu cầu toàn bộ chuyến bay giữa Mỹ và Istanbul tiếp đất.
Hiện vẫn chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm song giới phân tích cho rằng nhiều khả năng do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng gây ra.
Khẩu Kalashnikov tìm thấy tại hiện trường. Ảnh: Reuters
Hành khách bỏ chạy. Ảnh: Reuters
Những vụ tấn công lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ gần đây
Năm 2016
- Ngày 7-6, tại Istanbul: Nổ xe bom làm chết 7 cảnh sách và 4 dân thường. Nhóm vũ trang Chim ưng Tự do người Kurd (TAK) nhận trách nhiệm
- Ngy 19-3, tại Istanbul: Đánh bom tự sát giết 4 người tại khu mua sắm. IS nhận trách nhiệm.
- Ngày 13-3, tại Ankara: Xe bom giết 34 người, TAK nhận trách nhiệm.
- Ngày 17-2, tại Ankara: Xe buýt quân sự bị tấn công, 29 người chết. TAK nhận trách nhiệm.
- Ngày 12-1, tại Istanbul: 11 người Đức thiệt mạng do một kẻ đánh bom tự sát người Syria.
Năm 2015
- Ngày 23-12, tại Istanbul: Nổ bom giết chết người quét dọn tại sân bay Sabiha Gokcen. TAK nhận trách nhiệm.
- Ngày 10-10, tại Ankara: Hơn 100 người bị giết trong cuộc tuần hành ngoài ga đường sắt. IS nhận trách nhiệm.
- Ngày 20-7, tại Suruc (gần biên giới Syria): 34 người chết trong vụ đánh bom, IS nhận trách nhiệm.
Bình luận (0)