Sóng gió lại nổi lên ở miền Bắc Syria sau khi liên quân do Mỹ đứng đầu đang làm việc với các đồng minh để thiết lập một lực lượng an ninh biên giới (BSF) gồm khoảng 30.000 thành viên, trong đó có các tay súng người Kurd.
Châm dầu vào lửa
Trước đó, sau khi tờ The Defense Post tiết lộ thông tin về BSF hôm 13-1, Thổ Nhĩ Kỳ lập tức lên án và cảnh báo sẽ sớm tấn công lực lượng người Kurd ở khu vực Afrin, miền Bắc Syria. Phát biểu trên truyền hình hôm 14-1, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố nước này sẽ tiếp tục chiến dịch "dọn sạch phần tử khủng bố" tại biên giới phía Nam giáp Syria trong những ngày tới.
Theo đài DW, ông Erdogan có ý nói đến 2 mục tiêu chính là các phần tử tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Lực lượng bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG). Không dừng lại ở đó, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo các đồng minh phương Tây của Ankara không được bắt tay với lực lượng người Kurd ở Syria.
Trong dấu hiệu cho thấy ông Erdogan không nói suông, theo tờ Daily Sabah, các đoàn xe quân sự lớn đang được triển khai đến biên giới Syria. Ngay cả khi chiến dịch chưa diễn ra, ông Rojhat Roj, người phát ngôn của YPG ở Afrin, cho biết các đơn vị của ông đã giao tranh với binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ gần biên giới hôm 14-1, khiến một tay súng người Kurd thiệt mạng và vài người bị thương. Afrin hiện chịu sự kiểm soát của YPG sau khi lực lượng chính phủ Syria rút khỏi đó vào năm 2012.
Đoàn xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ trên đường đến tỉnh Kilis, giáp biên giới Syria hôm 4-1 Ảnh: DAILY SABAH
Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ, 2 đồng minh NATO, ngày càng xấu đi sau khi Washington hậu thuẫn Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), với nòng cốt là các tay súng YPG, chống lại IS. Ankara cáo buộc YPG là "cánh tay mở rộng" của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) - đang tiến hành cuộc nổi dậy kéo dài 3 thập kỷ qua ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Giờ đây, thông tin về BSF không khác gì châm dầu vào lửa. Ông Ibrahim Kalin, người phát ngôn của ông Erdogan, chỉ trích Washington "đang thực hiện các bước đi đáng lo ngại để hợp pháp hóa YPG và giúp họ tồn tại lâu dài tại khu vực - điều hoàn toàn không chấp nhận được".
Tranh cãi về Idlib
Theo Reuters, BSF sẽ được triển khai ở biên giới khu vực do SDF kiểm soát - cụ thể là dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Bắc, dọc biên giới với Iraq ở phía Đông Nam và dọc theo thung lũng sông Euphrates, nơi đóng vai trò là đường phân chia lãnh thổ giữa SDF và lực lượng chính phủ Syria do Iran và Nga ủng hộ.
Liên quân do Mỹ đứng đầu cho biết phân nửa thành viên BSF sẽ là cựu binh SDF và việc tuyển mộ số thành viên còn lại đang được xúc tiến. Trước mắt, BSF sẽ hoạt động theo lệnh của SDF và khoảng 230 người đang được huấn luyện trong khóa đầu tiên.
Mỹ hiện có khoảng 2.000 binh lính ở Syria để chống lại IS và cho biết sẵn sàng duy trì sự hiện diện này cho đến khi chắc chắn tổ chức khủng bố này bị đánh bại hoàn toàn. Chính phủ Syria xem Mỹ là một lực lượng chiếm đóng bất hợp pháp, trong lúc gọi SDF là "những kẻ phản bội".
Nga cũng có phản ứng cứng rắn. Ông Vladimir Shamanov, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, hôm 14-1 nói với đài Sputnik rằng quyết định lập BSF trên lãnh thổ Syria thể hiện sự đối đầu trực tiếp với các lợi ích của Nga. Vì thế, Moscow và các đối tác sẽ có biện pháp đáp trả nhằm ổn định tình hình Syria.
Quan điểm chung về vấn đề BSF không đồng nghĩa Ankara và Mosow nhất trí về mọi diễn biến ở Syria lúc này. Theo Reuters, Thổ Nhĩ Kỳ vừa kêu gọi Nga và Iran gây sức ép để chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ngưng chiến dịch quân sự nhằm vào phiến quân ở tỉnh Idlib.
Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho rằng Nga và Iran phải thực thi nghiêm túc thỏa thuận chung đạt được với Ankara vào năm ngoái, theo đó thành lập một "vùng xuống thang" ở Idlib, giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Ở chiều ngược lại, Moscow yêu cầu Ankara tăng cường kiểm soát những nhóm vũ trang được họ hậu thuẫn tại Idlib. Theo quân đội Nga, các tay súng tại tỉnh này đã phát động cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào 2 căn cứ Nga ở Syria mới đây.
Bình luận (0)