Ankara tuyên bố sẽ nhổ tận gốc các đồng minh của học giả Hồi giáo Fethullah Gulen đang sống lưu vong tại Mỹ, người bị cáo buộc đứng sau cuộc đảo chính thất bại hôm 15-7.
Khoảng 50.000 binh sĩ, cảnh sát, thẩm phán, công chức, giáo viên đã bị đình chỉ hoặc bị giam giữ. Trong đó, 15.000 người đến từ Bộ Giáo dục, 100 người thuộc cơ quan tình báo, 492 người làm việc cho Hội đồng quản trị các vấn đề tôn giáo, 257 người trong văn phòng thủ tướng và 300 người ở Bộ Năng lượng.
Thủ tướng Binali Yildirim khẳng định tổ chức khủng bố của giáo sĩ Gulen “sẽ không còn là con tốt hiệu quả cho bất cứ nước nào”. “Chúng tôi sẽ nhổ cỏ tận gốc” – ông Yildirim nói với Quốc hội.
Một phát ngôn viên của Tổng thống Tayyip Erdogan cho biết Ankara đang chuẩn bị đề xuất Washington dẫn độ giáo sĩ Gulen về nước. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thảo luận vấn đề này trong cuộc điện đàm với ông Erdogan hôm 19-7, đồng thời kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế làn sóng thanh trừng.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest xác nhận Ankara đã nộp các tài liệu dưới dạng điện tử và Washington đang xem xét. Một khi được chính thức đưa ra, yêu cầu dẫn độ sẽ được đánh giá theo những điều khoản của một hiệp ước giữa hai nước. Hiệp ước này không bao gồm các hành vi phạm tội “của một nhân vật chính trị” nhưng tính đến “hành động chống lại người đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ”.
Giáo sĩ Gulen hôm 19-7 kêu gọi Mỹ bác bỏ bất cứ yêu cầu nào "lạm dụng tiến trình dẫn độ để thanh trừng chính trị". Yêu cầu dẫn độ nào cũng có thể gây sóng gió chính trị ở Mỹ. Dù được tòa án thông qua, yêu cầu dẫn độ vẫn phải qua cửa của Ngoại trưởng John Kerry, người có thể cân nhắc các yêu tố phi pháp lý như nhân quyền.
Cùng ngày 19-7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ điện đàm về căn cứ Incirlik, nơi được liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu sử dụng để tấn công IS.
Tổng thống Erdogan nhiều lần đề nghị quốc hội áp dụng hình phạt tử hình đối với những kẻ nổi loạn. Thổ Nhĩ Kỳ hủy bỏ án tử hình vào năm 2004 như một phần thỏa thuận gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Một số nhà lãnh đạo phương Tây bày tỏ lo ngại ông Erdogan đang lợi dụng cuộc đảo chính để củng cố quyền lực cũng như thúc đẩy việc đàn áp các nhóm bất đồng chính kiến.
Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc Zeid Ra'ad Al Hussein hôm 19-7 cảnh báo về số lượng thẩm phán và công tố viên bị Thổ Nhĩ Kỳ miễn nhiệm. Vị này cũng yêu cầu Ankara cho phép các quan sát viên độc lập vào thăm những người đang bị giam giữ.
WikiLeaks vào cuộc
23 giờ ngày 19-7 (giờ Thổ Nhĩ Kỳ), trang web WikiLeaks công bố 294.548 email liên quan tới Đảng Công lý và Phát triển (AKP) của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Theo WikiLeaks, các email này liên kết với các yếu tố đằng sau âm mưu đảo chính, chính đảng đối thủ hoặc nhà nước, vốn được Ankara giữ kín.
Trước khi công bố, trang web cho biết chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có thể tìm cách ngăn chặn họ phát tán tài liệu của AKP. Trên thực tế, người dùng đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các email nói trên.
Bình luận (0)