Theo đài DW, nghị sĩ Đảng Xanh Agnieszka Brugger hôm 23-1 kêu gọi chính phủ Đức cần làm rõ lập trường đối với hành động can thiệp quân sự nói trên, trong lúc thúc giục Berlin ngưng xuất khẩu vũ khí sang Ankara lập tức.
Chỉ trích trên diễn ra giữa lúc giới chức Đức gần đây có những động thái nhằm bình thường hóa quan hệ căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ. Một phần của nỗ lực phá băng này là thỏa thuận được Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel thúc đẩy, theo đó nâng cấp những xe tăng đã bán cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, ngay cả nội bộ Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo của Thủ tướng Angela Merkel cũng có những tiếng nói phản đối thỏa thuận này vì cho rằng chiến dịch quân sự trên vi phạm luật pháp quốc tế.
Berlin cho đến giờ không bình luận gì về vụ lùm xùm liên quan đến xe tăng Leopard cũng như không lên án hành động tấn công người Kurd tại Syria của Ankara.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Gabriel đã bày tỏ quan ngại về sự leo thang quân sự và tác động nhân đạo tiềm tàng của chiến dịch trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm 22-1.
Binh sĩ và xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tại biên giới với Syria hôm 24-1 Ảnh: REUTERS
Theo kênh RT, Đức đã bán cho Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 751 xe tăng Leopard, trong đó có 354 chiếc thuộc phiên bản Leopard 2 hiện đại hơn. Ankara từng sử dụng Leopard 2 trong chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Tranh cãi mới nói trên đe dọa làm xấu lại mối quan hệ đang có dấu hiệu cải thiện. Vào tuần rồi, chính phủ hai nước mới nối lại các cuộc tham vấn bị đình trệ kể từ khi Ankara bắt giữ phóng viên Deniz Yucel, mang 2 quốc tịch Đức, Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 2-2017.
Sau cuộc gặp với ông Cavusoglu vào đầu tháng này, ông Gabriel cho biết các thương vụ vũ khí lớn với Ankara sẽ không được bàn đến chừng nào vụ việc của Yucel được giải quyết. Dù vậy, ông cho biết Đức sẽ xem xét yêu cầu nâng cấp xe tăng Leopard của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo ông Gabriel, việc chấp nhận yêu cầu này là bước đi dẫn đến việc bảo đảm ông Yucel được phóng thích.
Quan hệ xấu đi với Đức thời gian qua khiến cơ hội gia nhập Liên minh châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ thêm mờ mịt.
Các cuộc đàm phán về vấn đề này bị đóng băng từ tháng 12-2016 giữa lúc một số nước EU quan ngại về tình hình nhân quyền tại Ankara trong khi Thổ Nhĩ Kỳ không hài lòng về thỏa thuận ngăn người di cư đến châu Âu.
Dù vậy, tình hình có thể cải thiện sau khi bà Merkel hôm 20-1 lên tiếng ủng hộ Bulgaria tổ chức một cuộc gặp giữa đại diện EU và Thổ Nhĩ Kỳ.
Bình luận (0)