Giới chức Ankara nhấn mạnh chuyến thăm của ông Erdogan tới TP St. Petersburg không phải dấu hiệu cho thấy thành viên NATO này đang quay lưng lại với phương Tây. Thay vào đó, họ nói, đó là bước tiếp theo trong tiến trình xích lại gần Nga được khởi động vài tuần trước khi âm mưu đảo chính diễn ra (ngày 15-7).
Theo trợ lý chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin Yuri Ushakov, Syria sẽ là chủ đề chính tại cuộc họp với ông Erdogan. Ngoài ra, dự án khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, chương trình điện hạt nhân, nối lại các chuyến bay thuê của Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ được thảo luận.
Cuộc gặp giữa ông Erdogan với Tổng thống Putin là cuộc gặp thứ hai của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ với một nguyên thủ nước ngoài kể từ khi đảo chính thất bại. Trước đó, ông Erdogan tiếp tổng thống Kazakhstan tại thủ đô Ankara hôm 5-8.
Tổng giám đốc Hội đồng Quan hệ Quốc tế Nga Andrey Kortunov nói với Reuters rằng cuộc đảo chính thất bại đã kéo Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga. Tuy nhiên, vẫn còn những khác biệt nghiêm trọng giữa 2 nước.
Một số bất đồng chẳng hạn như ở Syria, Moscow ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad nhưng Ankara muốn ông ta bị lật đổ. Ở Nam Caucasus, Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Azerbaijan trong cuộc xung đột với Armenia – đồng minh của Nga – tại vùng Nagorno-Karabakh đòi ly khai.
Cách đây khoảng 9 tháng, Nga áp đặt lệnh trừng phạt thương mại đối với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi bị nước này bắn hạ một máy bay ném bom Su-24 gần biên giới Syria.
“Cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Erdogan cho thấy dấu hiệu cả hai bên đều sẵn sàng thỏa hiệp. Song câu hỏi đặt ra là nó có thể chuyển thành quan hệ chiến lược sâu sắc hơn hay không” – tổng giám đốc Kortunov nhận định. Có thông tin 2 vị tổng thống sẽ bàn về vấn đề bồi thường thiệt hại của vụ bắn rơi máy bay Nga.
Trong khi đó, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt câu hỏi tại sao không có nhà lãnh đạo phương Tây nào đến để thể hiện sự đoàn kết với nước này.
Tổng thống Erdogan và nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ cũng tức giận khi phương Tây quan tâm và lên án chiến dịch thanh trừng những kẻ đảo chính nhưng lại thờ ơ với sự kiện đẫm máu giết chết hơn 230 người. Mới đây nhất, thủ tướng Áo còn đề nghị tạm ngưng các cuộc đàm phán về tự cách thành viên Liên minh châu Âu (EU) của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trợ lý giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Kadir Has ở TP Istanbul, Akin Unver, cho biết quan hệ gần gũi hơn giữa Ankara và Moscow có thể gây phiền hà cho châu Âu: “EU muốn đa dạng hóa các nhà cung cấp và liên kết dòng chảy khí đốt ở phía Đông Địa Trung Hải đến châu Âu trong thời gian dài. Tuy nhiên, một đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ) đang được triển khai và điều này có thể gây ảnh hưởng đến tham vọng của EU”.
Quan hệ với Mỹ cũng suôn sẻ, nhất là khi Thổ Nhĩ Kỳ đổ lỗi cho giáo sĩ Fethullah Gulen sống lưu vong tại Mỹ giật dây âm mưu đảo chính, đồng thời yêu cầu lệnh dẫn độ người này về nước nhưng chưa được đáp ứng.
Dù vậy, theo một số chuyên gia, chuyến đi của ông Erdogan tới Nga sẽ không làm quan hệ giữa Ankara và Washington diễn biến theo chiều hướng xấu. Cựu đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Washington, ông Faruk Logoglu, mô tả quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ cũng giống như một cuộc hôn nhân công giáo: Không có ly dị và cả hai bên cần nhau.
Bình luận (0)