Động thái này được báo The New York Times đánh giá là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy ông Erdogan xoay sang Nga và quay lưng lại với NATO và phương Tây. Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã từng có kế hoạch mua tên lửa của Trung Quốc nhưng thỏa thuận đó đã thất bại dưới sức ép của Mỹ.
Hợp đồng trên cho thấy Ankara thắt chặt quan hệ với Moscow, bất chấp những bất đồng trong cuộc chiến ở Syria. Điều đó chắc chắn khiến Washington và Brussels bực bội khi cả Mỹ lẫn Liên minh châu Âu (EU) đều muốn kìm giữ Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên NATO từ những năm 1950 - không đi vào vùng ảnh hưởng của Nga.
Hệ thống tên lửa S-400 trong một cuộc diễu binh ở Moscow - Nga Ảnh: SPUTNIK
Theo The New York Times, NATO không cấm mua vũ khí từ các nhà sản xuất ngoài khối song cũng không khuyến khích các thành viên mua thiết bị không tương thích với đồng minh.
Một quan chức NATO ở Brussels xác nhận hiện không một quốc gia thành viên NATO nào sử dụng hệ thống tên lửa Nga và liên minh này chưa được thông báo chi tiết thương vụ của Thổ Nhĩ Kỳ. "Sự tương thích giữa các lực lượng vũ trang trong liên minh là điều cần thiết để NATO hoạt động" - quan chức này nói.
Trong khi đó, Tổng thống Erdogan tuyên bố không ai có quyền bàn về các quyết định độc lập của Thổ Nhĩ Kỳ trong lĩnh vực quốc phòng - nhật báo Hurriyet đưa tin. Các chuyên gia nhận định Thổ Nhĩ Kỳ có lý do để mua tên lửa Nga. Nước này cần nuôi dưỡng mối quan hệ tốt đẹp với Nga cũng như xây dựng hệ thống phòng thủ quân sự riêng của mình, theo bà Asli Aydintasbas, chuyên gia tại Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại.
Thực ra, theo quy tắc phòng vệ tập thể, NATO từng triển khai tên lửa Patriot trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ khi căng thẳng giữa nước này với Syria gia tăng. Thế nhưng, ông Erdogan không còn tin cậy vào phương Tây kể từ sau vụ đảo chính bất thành hồi năm 2016 mà ông cho là âm mưu của phương Tây nhằm loại bỏ ông.
Hơn nữa, hợp đồng S-400 với Nga cũng là cách Ankara phản ứng sau khi bị Mỹ phớt lờ đề nghị mua máy bay không người lái. Gần đây hơn, Đức tuyên bố đình chỉ mọi hoạt động xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ với lý do "tình hình nhân quyền sa sút" ở nước này.
Bình luận (0)