Điểm dừng chân đầu tiên của ông Erdogan là Ả Rập Saudi.
Trong chuyến thăm TP Jeddah ở biển Đỏ, ông Erdogan đã hội đàm với Vua Salman và Thái tử Mohammed bin Salman.
Hãng tin SPA cho biết cả hai cuộc gặp đều tập trung vào các biện pháp chống khủng bố và giải quyết những vấn đề song phương cũng như khu vực.
Tối 23-7, ông Erdogan tiếp tục đến Kuwait để gặp Vua Sabah Al Ahmed Al Saba. Kuwait trước đó cố gắng hòa giải tranh chấp giữa 4 nước Ả Rập và Qatar nhưng thất bại.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ là chính khách nước ngoài thứ năm tới Vùng Vịnh để giúp giải quyết cuộc khủng khoảng giữa Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Bahrain, Ai Cập và Qatar, sau các nhà ngoại giao của Anh, Pháp, Đức và Mỹ.
Bốn quốc gia trên cắt đứt quan hệ ngoại giao, đồng thời tạm ngưng dịch vụ hàng không và hàng hải với Qatar từ đầu tháng 6, liên quan tới cáo buộc Doha tài trợ khủng bố và thiết lập quan hệ gần gũi với Iran. Qatar sau đó bác bỏ cáo buộc và gọi đây là động cơ chính trị.
Tổng thống Erdogan (trái) đến Kuwait để gặp Vua Sabah Al Ahmed Al Saba hôm 23-7. Ảnh: AP
Tổng thống Erdogan phải đối mặt với thách thức khó khăn hơn trong việc đảm bảo một bước đột phá khi giải quyết cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh so với các đồng minh NATO, một phần là do mối quan hệ ấm áp (trong đó có quân sự) giữa Ankara và Doha những năm gần đây.
Bên cạnh đó, quan hệ thương mại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước đang tẩy chay Qatar khá gần gũi nên động thái hỗ trợ Doha của chính quyền Tổng thống Erdogan đặt ra dấu hỏi lớn.
Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar thông báo kế hoạch mở căn cứ quân sự đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ ở Vịnh Ba Tư vào năm 2015. Căn cứ chính thức đi vào hoạt động hồi năm ngoái.
Tiểu vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani ngày 21-7 lần đầu tiên bình luận về cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Vùng Vịnh. Ông cho biết Doha chuẩn bị tham gia đối thoại nhưng lưu ý bất kỳ giải pháp nào cũng phải tôn trọng chủ quyền của Qatar. Ông cũng nhắc lại cam kết của Doha trong lĩnh vực chống khủng bố.
Trên mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Ngoại giao UAE nói rằng mặc dù đối thoại là cần thiết nhưng Qatar vẫn phải xem lại các chính sách của mình vì nếu lặp lại những quan điểm trước đây sẽ chỉ làm cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Boris Johnson hy vọng 4 nước Ả Rập sẽ tiến hành các bước dỡ bỏ lệnh phong tỏa đối với Qatar, mở đường cho các cuộc đối thoại nhằm giải quyết sự khác biệt.
Bình luận (0)