Đó là tiết lộ vị trí của 10 căn cứ, tiền đồn của Mỹ tại miền Bắc Syria, nơi lực lượng Mỹ đang chỉ huy chiến dịch tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại thành trì Raqqa.
Thông tin được hãng tin Anadolu đăng tải vào đầu tuần này chỉ rõ sự hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực đang do người Kurd kiểm soát (trải dài hơn 300 km). Thậm chí, bản tin còn liệt kê số lượng binh sĩ Mỹ tại vài địa điểm cũng như có nhắc đến sự hiện diện của đặc nhiệm Pháp.
Các tay súng người Kurd của YPG tại TP Raqqa - Syria Ảnh: Reuters
Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên công khai chỉ trích chính quyền Mỹ (từ thời Tổng thống Barack Obama sang người kế nhiệm Donald Trump) vì dựa vào lực lượng người Kurd có liên hệ với Đảng Công nhân người Kurd (PKK) để chống lại IS. PKK bị Thổ Nhĩ Kỳ cấm hoạt động vì đòi ly khai cũng như bị Mỹ và Liên minh châu Âu xem là khủng bố.
Trong nỗ lực tránh bị hiểu lầm là cùng phe với PKK, quân đội Mỹ lập ra Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) với phần lớn thành viên là tay súng Ả Rập. Vấn đề là SDF được chỉ huy bởi người của Đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), bị Ankara cáo buộc có liên hệ với PKK.
Hội đồng An ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu tuần này cáo buộc vũ khí cung cấp cho YPG đã rơi vào tay PKK, qua đó cho thấy "những nước khác đang áp dụng tiêu chuẩn kép đối với các nhóm khủng bố" - một chỉ trích rõ ràng nhằm vào mối quan hệ giữa Mỹ và YPG.
Trang Daily Beast nhận định ngay cả khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thường xuyên tỏ thái độ giận dữ với Mỹ, việc Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ chi tiết về triển khai quân sự của Mỹ tại vùng đang có chiến sự là điều cực kỳ khác thường, nhất là khi 2 nước đều là thành viên NATO.
Không có gì khó hiểu khi người phát ngôn liên quân chống IS do Mỹ đứng đầu lên tiếng chỉ trích rằng hành động tiết lộ những thông tin nhạy cảm nêu trên có thể khiến các lực lượng đang tham chiến ở Syria gặp nguy hiểm.
Nói đi cũng phải nói lại, bản thân chiến dịch quân sự của Mỹ ở Syria, xét về nhiều khía cạnh, cũng khác thường không kém. Washington bị xem là không chỉ hành xử trái với ý của Ankara mà còn không "hỏi ý kiến" Tổng thống Syria Bashar al-Assad khi đưa quân đến đó.
Theo Reuters, thực trạng nêu trên đe dọa khiến binh sĩ Mỹ rơi vào thế khó một khi lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và YPG leo thang đụng độ thời gian tới. Vào đầu tháng 7, chỉ huy YPG tuyên bố việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ triển khai quân đến gần những khu vực do người Kurd kiểm soát ở miền Tây Bắc Syria là "hành động tuyên chiến" và có thể dẫn đến xung đột vũ trang.
Bình luận (0)