Bộ Tư pháp Mỹ giữa tuần này tuyên bố triển khai đơn vị đặc biệt mang tên Lực lượng Đặc nhiệm KleptoCapture (TFKC) nhằm hỗ trợ thực thi lệnh trừng phạt chống lại giới chức chính phủ và tài phiệt Nga.
Cùng với lệnh hạn chế xuất khẩu và một loạt biện pháp trừng phạt tài chính khác, đây là một phần trong nỗ lực của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và đồng minh nhằm phản ứng chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Mục tiêu kép
Trong bài phát biểu liên bang vào tối 1-3 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gửi lời cảnh báo trực tiếp đến giới tài phiệt Nga rằng Washington và đồng minh sẽ nhắm vào du thuyền, căn hộ sang trọng, chuyên cơ của họ.
Theo Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland, lực lượng đặc nhiệm mới sẽ bao gồm các công tố viên, đặc vụ liên bang cũng như chuyên gia về chống rửa tiền, thực thi thuế và điều tra an ninh quốc gia từ nhiều cơ quan, trong đó có Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).
"Bộ Tư pháp Mỹ sẽ sử dụng tất cả quyền hạn của mình để thu giữ tài sản của các cá nhân và tổ chức vi phạm lệnh trừng phạt" - Bộ trưởng Garland tuyên bố.
Nhân viên an ninh tại lối vào sân vận động Stamford Bridge của CLB Chelsea hôm 3-3, sau khi tỉ phú Nga Roman Abramovich rao bán đội bóng thành London với giá khoảng 2 tỉ bảng Anh .Ảnh: REUTERS
Kể từ khi Tổng thống Putin công bố chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine, chính phủ các nước phương Tây liên tục triển khai những bước đi nhằm đóng băng tài sản ở nước ngoài của các tỉ phú Nga, với mục tiêu kép: Trừng phạt giới tinh hoa Nga và gia tăng sức ép lên Tổng thống Putin để buộc ông chùn bước.
Đến thời điểm hiện nay, có thể nói rằng các biện pháp trừng phạt đã thu hút được sự chú ý của giới tài phiệt Nga, khiến họ đứng ngồi không yên. Đầu tuần này, ít nhất 4 siêu du thuyền thuộc sở hữu của các tỉ phú Nga bị phát hiện di chuyển đến Montenegro và Maldives. Theo đài CNBC, Maldives được xem là điểm ẩn mình an toàn của các nhà tài phiệt, phần vì quốc đảo này không có hiệp ước dẫn độ với Mỹ.
Không may cho giới tinh hoa Nga, danh sách các nước từng được xem là điểm trú ẩn an toàn của họ đang ngắn dần. "Thiên đường thuế" Monaco ngày 1-3 công bố một loạt biện pháp trừng phạt tương tự EU trong khi Thụy Sĩ từ bỏ truyền thống trung lập để đứng về phía EU, tuyên bố sẽ đóng cửa không phận với máy bay Nga và cấm nhiều tỉ phú có mối liên hệ với Tổng thống Putin nhập cảnh.
Tất nhiên, theo chuyên gia Alison Jimenez của Công ty Dynamic Securities Analytics (Mỹ), thực thi lệnh trừng phạt nhằm vào các nhà tài phiệt chẳng bao giờ là chuyện đơn giản hoặc nhanh chóng, bởi họ là những người thành thạo trong việc che giấu tài sản bằng tầng tầng lớp lớp công ty vỏ bọc. "Bạn có thể tịch thu du thuyền, máy bay của họ nhưng họ vẫn còn tiền nằm rải rác trên toàn thế giới. Nếu bạn thu được 75% tài sản của họ, họ vẫn sẽ giàu có hơn hầu hết dân số thế giới" - bà Jimenez khẳng định.
Dù vậy, sức ép từ các biện pháp trừng phạt dường như đang gây ra tác động về mặt tâm lý. Tuần này, 2 tỉ phú Nga Mikhail Fridman và Oleg Deripaska kêu gọi đàm phán hòa bình để kết thúc xung đột vũ trang càng sớm càng tốt.
Mỹ ngày 3-3 công bố lệnh trừng phạt nhằm vào các nhà tài phiệt Nga, trong đó có tỉ phú Yevgeniy Prigozhin. Ảnh: REUTERS
"Đã quá trễ"
Tỉ phú Roman Abramovich, người sở hữu khối tài sản ước tính 13,5 tỉ USD, ngày 2-3 rao bán CLB Chelsea, đội bóng được ông mua lại hồi năm 2003. Mặc dù tỉ phú 55 tuổi chưa có tên trong danh sách trừng phạt, các nhà lập pháp Anh đang gây sức ép để giới lãnh đạo làm điều này. Lo sợ bị trừng phạt, nhà tài phiệt người Nga được cho là đang bán bớt một số bất động sản ở London.
Trong bối cảnh phương Tây chung tay trừng phạt giới chức chính phủ và tài phiệt Nga, chính quyền Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 1-3 đệ trình Dự luật Tội phạm Kinh tế (ECB) lên Quốc hội nhằm ngăn chặn điều ông mô tả là dòng chảy "tiền bẩn" vào nước này.
Trong khuôn khổ của ECB, các công ty nước ngoài sở hữu bất động sản ở Anh phải công bố danh tính của chủ sở hữu đích thực nếu không muốn đối mặt với nguy cơ bị tịch thu tài sản. "Sẽ không còn chỗ để che giấu tài sản bất chính" - Thủ tướng Johnson nhấn mạnh.
Dự luật mới được thiết kế để nhắm trực tiếp đến giới tài phiệt Nga, những người thường thuê đội ngũ kế toán, luật sư, nhân viên ngân hàng hùng hậu để giúp họ che giấu sự giàu có của mình. ECB còn nhằm khuyến khích sử dụng cái được gọi là "phán quyết về tài sản không thể giải thích", công cụ pháp lý cho phép chính phủ Anh tịch thu tài sản thuộc sở hữu của những người không thể chứng minh nguồn tiền mà họ sử dụng để mua chúng là hợp pháp.
Dù vậy, với những người chỉ trích, bước đi nêu trên của chính quyền Thủ tướng Johnson là quá ít ỏi, quá chậm trễ. "Dòng tiền bẩn chảy vào Anh và Mỹ đã hủy hoại an ninh quốc gia của chúng ta trong nhiều năm trời. Kể từ năm 2018, tôi liên tục cảnh báo rằng chúng ta đang trả tiền cho vũ khí của kẻ thù" - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh Tom Tugendhat nhấn mạnh.
Bình luận (0)