Indonesia ngày 17-8 dự kiến đánh chìm 71 tàu cá nước ngoài vào đúng ngày kỷ niệm 71 năm độc lập.
Bảo vệ từng tấc đất
Các tàu cá nói trên - bị cáo buộc đánh bắt trái phép trong vùng biển nước này - được tập trung tại 8 địa điểm và bị đục thủng để nước tràn vào bên trong. Theo Bộ trưởng Hàng hải và Thủy sản Indonesia Susi Pujiastuti, cách đục thủng để tàu tự chìm sẽ thay thế cách dùng thuốc nổ trước đó, vốn bị chỉ trích gây ảnh hưởng môi trường.
Phát biểu trong thông điệp nhà nước hôm 16-8, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cam kết sẽ bảo vệ từng tấc đất cũng như lãnh hải nước này sau một loạt vụ đối đầu với tàu Trung Quốc gần đây quanh quần đảo Natuna, phía Nam biển Đông. Nhắc tới phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đưa ra hôm 12-7, theo đó bác bỏ “đường lưỡi bò” do Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên biển Đông, ông Widodo nhấn mạnh Jakarta đang tích cực tham gia giải pháp giải quyết tranh chấp biển Đông thông qua đàm phán hòa bình.
Theo trang Bloomberg, từ năm 2014, Indonesia đã phá hủy hơn 170 tàu cá nước ngoài từ nhiều quốc gia khác nhau trong khi tìm cách chống chọi với sự “nhòm ngó” của Trung Quốc tại các vùng biển xung quanh Natuna mà Jakarta khẳng định nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này. Cựu Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa nhấn mạnh nước này cần phát đi tín hiệu rằng Jakarta quyết tâm bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ cũng như bảo đảm thông điệp này không bị hiểu sai.
Trong khi đó, tiến sĩ Richard Javad Heydarian - một giáo sư khoa học chính trị tại Trường ĐH La Salle De (Philippines) - nhận định thông điệp của Jakarta rất rõ ràng: Nước này sẽ giữ vững lập trường và sẵn sàng khiến Trung Quốc giảm bớt hoạt động trong vùng biển Indonesia. Điều này thể hiện rõ khi trong số các tàu cá sắp bị đánh chìm có một số tàu Trung Quốc. Trước đó, việc Indonesia cho nổ tung một tàu cá Trung Quốc bị bắt vì đánh cá trái phép ở vùng biển quanh Natuna hồi tháng 5 khiến Bắc Kinh vô cùng giận dữ.
Căng thẳng gia tăng
Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc ngày 15-8 lớn tiếng phản ứng sau khi báo chí Nhật đưa tin Tokyo phát triển tên lửa đất đối hải tầm xa 300 km để triển khai tới các đảo như Miyako vào năm 2023. Ấn phẩm thuộc tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho rằng động thái trên sẽ đe dọa tất cả tàu thuyền Trung Quốc trong khu vực quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, cách Miyako 170 km. “Đảo Miyako bị quân sự hóa nên sẽ trở thành mục tiêu của quân đội Trung Quốc, tức là có thể xem xét phá hủy những cơ sở trên đảo nếu xảy ra chiến tranh với Nhật Bản” - tờ báo này đe dọa.
Bài xã luận trên đưa ra giữa lúc quan hệ Nhật - Trung thêm căng thẳng gần đây. Nhật Bản tố cáo hàng trăm tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập vùng biển quanh Senkaku - do Tokyo kiểm soát nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền - trên biển Hoa Đông. Hôm 16-8, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã công bố đoạn video được ghi hình từ ngày 5 đến 9-8, trong đó cho thấy 28 tàu của chính phủ và 72 tàu cá Trung Quốc xuất hiện quanh Senkaku.
Sự leo thang khiêu khích của Trung Quốc ở biển Đông và Hoa Đông đang làm gia tăng nguy cơ nổ ra một cuộc chiến trên biển hoặc trên không, theo cảnh báo được RAND Corp - tổ chức nghiên cứu chính sách toàn cầu của Mỹ - đưa ra mới đây. Trước đó, trang International Business Times dẫn một nghiên cứu mới của ông David Gompert, cựu Giám đốc cố vấn tình báo của Tổng thống Mỹ Barack Obama, dự báo xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ bùng phát nếu căng thẳng trên biển Đông tiếp tục gia tăng. Nghiên cứu này kết luận một cuộc chiến Trung - Mỹ sẽ “kéo dài và tàn phá” nhưng không thể đi đến kết quả cuối cùng.
“Cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ gây tổn thất cho cả hai bên và cả Đông Á” - ông Gompert nói với đài ABC News. Thêm vào đó, báo cáo lưu ý nếu chiến tranh nổ ra giữa hai bên vào thời điểm hiện nay, Bắc Kinh chịu tổn thất nặng nề hơn Washington và khoảng cách này sẽ tiếp tục nới rộng nếu cuộc chiến tiếp diễn. Tuy nhiên, báo cáo cảnh báo rằng đến năm 2025, khoảng cách này có thể sẽ bị thu hẹp lại và tổn thất của Mỹ có thể lớn hơn Trung Quốc.
Bình luận (0)