Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng rồi có bài diễn văn, trong đó trình bày chiến lược nhằm tiếp tục và cuối cùng là giành chiến thắng trong cuộc chiến ở Afghanistan. Tuy nhiên, ẩn chứa đằng sau diễn văn là một thông điệp rõ ràng không phải gửi đến Afghanistan hoặc Pakistan mà là Trung Quốc. Dù không được nói thẳng như những phát biểu trước, thông điệp này là: Mỹ dự định tiếp tục là một thế lực chính trị, kinh tế và thậm chí là quân sự không chỉ dọc bờ biển Thái Bình Dương mà còn trên toàn châu Á.
Ngay cả khi ngôn ngữ của ông Donald Trump không thẳng thừng như những tuyên bố về Trung Quốc trong suốt chiến dịch tranh cử năm ngoái, nhà lãnh đạo Mỹ vẫn gửi đến Bắc Kinh một thông điệp táo bạo. Nói đơn giản, thông điệp này là Mỹ sẽ "tiếp tục phát triển mối quan hệ chiến lược với Ấn Độ, nền dân chủ lớn trên thế giới và cũng là một đối tác an ninh và kinh tế quan trọng của Mỹ".
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở TP Hamburg - Đức hôm 7-7-2017 Ảnh: KYODO
Tổng thống Donald Trump cũng thể hiện rõ ràng rằng mối quan hệ đối tác mới với Ấn Độ không chỉ dừng lại ở việc kết thúc cuộc chiến ở Afghanistan mà còn bao gồm việc theo đuổi "những mục tiêu chung vì hòa bình và an ninh ở Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn hơn". Dù chưa thể sánh ngang với Trung Quốc cả về kinh tế, ngoại giao lẫn quân sự, Ấn Độ là quốc gia châu Á duy nhất có tiềm năng thách thức sự thống trị địa - chính trị của Trung Quốc tại khu vực.
Sự đối đầu của Trung Quốc và Ấn Độ không phải lúc nào cũng diễn ra trong âm thầm. Năm 1962, Trung Quốc và Ấn Độ đụng độ trong một cuộc chiến tranh ngắn liên quan đến tranh chấp biên giới trên dãy Himalaya. Đến năm 1967, hai quốc gia này một lần nữa bị kéo vào một cuộc chiến vì vấn đề biên giới.
Năm 1964, vụ thử bom hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc khiến Ấn Độ lo ngại, cũng như giúp củng cố sự ủng hộ dành cho chương trình hạt nhân riêng của New Delhi. Hiện tại, Ấn Độ tỏ ra cảnh giác với chính sách đầy tham vọng "Vành đai và con đường" của Trung Quốc, hình dung việc xây phiên bản "Con đường tơ lụa" hiện đại, kết nối miền Trung của Trung Quốc với các thị trường ở châu Âu.
Dù Bắc Kinh lập luận rằng "Vành đai và con đường" sẽ mang lại lợi ích cho toàn bộ khu vục Trung và Nam Á, chính phủ Ấn Độ đã bày tỏ quan ngại về việc dự án này được quản lý như thế nào và liệu có làm lệch cán cân quyền lực ở khu vực hay không.
Lịch sử quan hệ của Trung Quốc và Ấn Độ không đẫm máu và thảm khốc như Nhật Bản nhưng những rủi ro từ quan hệ New Delhi - Bắc Kinh theo một cách nào đó còn lớn hơn nhiều. Tổng cộng, hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân này có hơn 2,5 tỉ người và chiếm 18% kinh tế thế giới.
Chính phủ của 2 nước sẽ được tưởng thưởng nếu đáp ứng những kỳ vọng kinh tế của tầng lớp trung lưu đang ngày một gia tăng hoặc phải chịu trách nhiệm nếu không làm được thế. Hơn nữa, cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ đều không muốn mất quyền thống trị về chính trị (và kèm theo nó là những lợi ích kinh tế, chẳng hạn như tiếp cận thị trường) ở châu Á vào tay đối phương.
Tất nhiên, Mỹ và Ấn Độ đã tiến lại gần nhau hơn trong nhiều năm qua. Một bằng chứng là cựu Tổng thống George W. Bush quyết định cho phép Mỹ bán vật liệu và công nghệ hạt nhân cho Ấn Độ. Việc tuyên bố rằng an ninh Mỹ dựa một phần vào các quyết định được đưa ra ở New Delhi gần như đồng nghĩa việc liên kết chính trị với chính sách chính thức của Ấn Độ về Mỹ.
Quyết định này rốt cuộc cũng không gây nhiều ngạc nhiên. Trung Quốc và Mỹ vốn không cùng quan điểm về nhiều vấn đề, từ những chuyện có nguy cơ gây bất hòa (các căn cứ quân sự của Trung Quốc trên biển Đông) đến những vấn đề nghiêm trọng nhưng vẫn có thể kiểm soát được (Washington cáo buộc Bắc Kinh bán phá giá hàng hóa xuất khẩu tại thị trường Mỹ).
Cả Ấn Độ và Mỹ đều muốn Trung Quốc ngưng một số hành động nhất định. Cùng với một loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào những công ty Trung Quốc bị Mỹ cáo buộc phớt lờ lệnh trừng phạt Triều Tiên, sự ủng hộ mà Tổng thống Donald Trump dành cho Ấn Độ là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy chính sách Trung Quốc của Mỹ ngày càng cứng rắn hơn.
Dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump đã có cuộc gặp gỡ thân mật vào tháng 4 vừa qua, sắc thái của mối quan hệ Trung - Mỹ đã thay đổi. Ông Donald Trump có thể còn mơ hồ về việc Mỹ sẽ làm thế nào để giành chiến thắng trong cuộc chiến ở Afghanistan nhưng ông đã gửi đến Trung Quốc một thông điệp rõ ràng: Mỹ sẽ quan tâm đến những lợi ích của mình ở châu Á và Bắc Kinh đừng mong đợi một sự đối xử đặc biệt hoặc hòa nhã.
(*) Tựa do tòa soạn đặt lại
Bình luận (0)