Vài giờ sau vụ phóng nêu trên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đến thăm thành phố biển Goseong gần biên giới với Triều Tiên - nơi ông dự lễ động thổ một tuyến đường sắt được kỳ vọng sẽ kết nối liên Triều, theo Reuters.
Phát biểu tại sự kiện này, Tổng thống Moon thừa nhận động thái trên của Triều Tiên có thể làm gia tăng căng thẳng và tổn hại quan hệ liên Triều.
"Chúng ta không nên từ bỏ hy vọng đàm phán để khắc phục tình trạng này. Nếu Triều Tiên và Hàn Quốc hợp tác và xây dựng lòng tin, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sẽ được thiết lập vào một ngày nào đó" - ông chủ Nhà Xanh nhấn mạnh, đồng thời hối thúc Bình Nhưỡng nỗ lực để đối thoại chân thành.
Người dân Seoul - Hàn Quốc theo dõi tin tức về vụ phóng tên lửa hôm 5-1 của Triều Tiên Ảnh: REUTERS
Từ tháng 9 đến 11-2021, Triều Tiên đã tiến hành hàng loạt vụ thử nghiệm vũ khí trong những động thái được giới chuyên gia mô tả là nỗ lực nhằm gia tăng sức ép để buộc Mỹ và đồng minh nới lỏng lệnh trừng phạt kinh tế.
Theo chuyên gia Leif-Eric Easley của Trường ĐH Ewha (Hàn Quốc), với vụ phóng mới nhất, Triều Tiên như muốn tuyên bố rằng kể cả đại dịch Covid-19 cũng không ngăn được chương trình phát triển vũ khí của họ.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio "lấy làm tiếc" khi Bình Nhưỡng liên tục phóng tên lửa kể từ năm ngoái, khiến an ninh Nhật Bản bị đe dọa nghiêm trọng. Trong cuộc họp trực tuyến với người đồng cấp Úc Scott Morrison vào ngày 6-1, Thủ tướng Kishida sẽ ký Hiệp định Tiếp cận Đối ứng (RAA) nhằm đề ra khuôn khổ để lực lượng quốc phòng 2 nước hợp tác.
Gọi đây là một thỏa thuận lịch sử, Thủ tướng Morrison nhấn mạnh RAA là tuyên bố chung về cam kết của Canberra và Tokyo nhằm giải quyết những thách thức an ninh chiến lược, góp phần bảo đảm một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương an toàn và ổn định.
Một ngày sau Thượng đỉnh trực tuyến Nhật - Úc, Bộ trưởng Ngoại giao Yoshimasa Hayashi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi của Nhật Bản sẽ đối thoại an ninh chiến lược 2+2 với Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Defence Lloyd của Mỹ.
Các cuộc thảo luận sẽ xoay quanh tình hình an ninh chung, cũng như những vấn đề liên quan đến tầm nhìn về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết.
Bình luận (0)