Trong thông điệp nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Hiến pháp Nhật Bản 3-5, ông Abe khẳng định: "Thông qua việc Lực lượng Phòng vệ (SDF) được nêu rõ ràng trong hiến pháp, tôi sẽ chấm dứt cuộc tranh luận về tính hợp pháp của SDF. Tôi quyết tâm hoàn thành trách nhiệm của mình bằng việc đi đầu trong các nỗ lực sửa đổi điều 9 của Hiến pháp (cấm Nhật Bản sở hữu lực lượng quân sự)".
Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh mục tiêu của ông vẫn là thực thi sửa đổi hiến pháp, hướng đến mục tiêu có hiệu lực vào năm 2020 bất chấp cuộc tranh luận về vấn đề này bị đình trệ tại hạ viện do bất đồng giữa Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền và phe đối lập. Hồi năm 2018, LDP đưa ra 4 đề xuất về sửa đổi hiến pháp, trong đó có thay đổi nội dung điều 9. Theo báo Asahi (Nhật Bản), sự thay đổi gây tranh cãi nhất là nói đến tính hợp pháp của SDF.
Tàu khu trục JS Suzutsuki của Lực lượng Phòng vệ hàng hải Nhật Bản đến TP Thanh Đảo - Trung Quốc cuối tháng 4 Ảnh: Reuters
Các nghị sĩ đảng cầm quyền và phe đối lập cũng thảo luận về vấn đề này trong một chương trình phát sóng cùng ngày trên đài NHK. Trong chương trình, ông Kazuo Kitagawa, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu hiến pháp của Đảng Công minh (đảng liên minh với LDP), cho biết: "Nhiều người không xem SDF là một tổ chức vi hiến. Tôi không thể hiểu lập luận cho rằng SDF nên được ghi vào hiến pháp chỉ vì một số người cho rằng SDF là vi hiến".
Các nghị sĩ đối lập cũng tỏ ra hoài nghi về kế hoạch chỉnh sửa hiến pháp của ông Abe. "Ông Abe nói đến việc sửa đổi nhằm nêu rõ vai trò của SDF trong hiến pháp. Nhưng điều đó sẽ làm mở rộng đáng kể phạm vi của quyền tự vệ" - ông Yuichiro Tamaki, thủ lĩnh Đảng Dân chủ vì nhân dân, phàn nàn.
Theo báo The Straits Times (Singapore), điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản nêu rõ Tokyo không được phát động chiến tranh, đe dọa sử dụng hoặc dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Thêm vào đó, Nhật Bản sẽ không có lục quân, hải quân, không quân cùng các sức mạnh chiến tranh khác… Dù vậy, SDF hiện có khoảng 247.000 thành viên và ngân sách quốc phòng của Nhật Bản nằm trong tốp đầu thế giới. Điều này dẫn đến hoài nghi về tính hợp hiến của SDF.
Trong năm 2015, ông Abe từng diễn giải lại hiến pháp để SDF có thể tham chiến hỗ trợ đồng minh theo quyền "phòng vệ tập thể". Giờ đây, nhà lãnh đạo này cho rằng cần phải đưa SDF vào hiến pháp để ghi nhận những đóng góp của lực lượng này. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu sửa đổi hiến pháp, Thủ tướng Abe cần phải có sự ủng hộ của 2/3 nghị sĩ tại lưỡng viện quốc hội. Sau đó, nhà lãnh đạo này phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý trong vòng từ 60-180 ngày và cần đạt được ít nhất 50% phiếu ủng hộ.
Giới quan sát cho rằng ý định của ông Abe có thành công hay không sẽ phụ thuộc đáng kể vào kết quả cuộc bầu cử thượng viện, dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới.
Bình luận (0)