Ông Khushwant Singh, nhà văn kiêm nhà báo nổi tiếng của Ấn Độ, từng kể lại một câu chuyện nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn về ông Manmohan Singh: “Tôi chỉ thật sự biết ông Manmohan Singh lúc ông thất cử hạ nghị sĩ ở Nam Delhi. Đó là vào năm 1999. Tôi rất ngạc nhiên khi biết con rể ông ấy, một người quen biết với gia đình tôi, đến mượn 2 Lakh (khoảng 75,6 triệu đồng) để ông mướn taxi đi vận động bầu cử. Tôi đưa tiền mặt cho cậu ấy. Bầu cử kết thúc, ông ấy gọi điện hẹn gặp tôi. Ông ấy đến nhà tôi, trong tay có một bao thư. Ông nói: “Tôi chưa dùng số tiền này, nay xin trả lại anh”. Rồi Singh đưa cho tôi số tiền mà tôi đã đưa cho con rể ông. Tôi chưa từng thấy chính khách nào hành xử đẹp như vậy”.
Lý lịch cực kỳ ấn tượng
Ông Manmohan Singh có một bản lý lịch (CV) vô cùng ấn tượng bởi sự uyên thâm về mặt học vấn và một sự nghiệp lẫy lừng. Sinh ra ở Gah, Tây Punjab (nay là huyện Chakwal) của Pakistan năm 1932 trong một gia đình người Sikh, ông theo gia đình di cư đến Ấn Độ năm 1947.
Mất mẹ rất sớm, ông Singh sống với bà nội. Học kinh tế, ông tốt nghiệp bậc cử nhân năm 1952 và thạc sĩ 1954 hạng ưu. Tiếp tục học kinh tế ở Đại học Cambridge, luôn đứng đầu khóa học, ông 2 lần nhận được giải Wright danh giá năm 1955 và 1957. Sau đó, học tiến sĩ kinh tế tại Đại học Oxford, ông tốt nghiệp hạng ưu năm 1962. Như vậy, so với tất cả các vị thủ tướng từ trước đến nay, ông là người có học vị và học thức cao nhất.
Ông Singh bắt đầu sự nghiệp quan chức từ năm 1972 khi được bổ nhiệm làm cố vấn kinh tế Bộ Ngoại thương (1972-1976). Trong 2 thập niên 1970 và 1980, ông giữ nhiều chức vụ then chốt trong chính phủ như cố vấn trưởng kinh tế (1972-1976), thống đốc Ngân hàng Dự trữ (1982-1985) và chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch (1985-1987).
Năm 1991, khi Ấn Độ đắm chìm trong khủng hoảng kinh tế, tân thủ tướng P.V. Narasimha Rao khiến mọi người kinh ngạc khi bổ nhiệm ông Singh, dân ngoại đạo chính trị, làm bộ trưởng tài chính. Một sự chọn lựa sáng suốt bởi sau đó, ông Singh trở thành “kiến trúc sư của Ấn độ hiện đại” với chính sách “tự do hóa, tư hữu hóa và toàn cầu hóa” làm thay đổi bộ mặt kinh tế Ấn Độ. Tính chung, ông làm bộ trưởng bộ này 3 lần, từ năm 1996 đến tháng 7-2012 (2 lần kiêm nhiệm).
Năm 2004, khi đảng UPA của Đảng Quốc đại lên cầm quyền, chủ tịch đảng, bà Sonia Gandhi, bất ngờ chọn ông Singh, người Sikh đầu tiên đồng thời cũng là kinh tế gia đầu tiên trong lịch sử, làm thủ tướng chính phủ. Nền kinh tế Ấn Độ tiếp tục bay cao với những cải cách hiệu quả.
Hình mẫu của một thủ lĩnh chính trị
Các cơ quan truyền thông quốc tế cũng từng ca ngợi nhà lãnh đạo liêm khiết và kiệm lời này với những mỹ từ đẹp nhất. Nhật báo Anh The Independent mô tả ông là “một trong các nhà lãnh đạo được kính trọng nhất thế giới” và “một quý ông lịch sự, tao nhã hiếm thấy”. Năm 2010, tuần báo Mỹ Newsweek thừa nhận ông là một nhà lãnh đạo thế giới được các vị nguyên thủ quốc gia khác kính trọng và “một nhà lãnh đạo được các nhà lãnh đạo khác yêu mến”.
Năm 2010, tạp chí tài chính Forbes xếp ông Singh thứ 18 trong danh sách những người có quyền lực nhất thế giới. Tạp chí này mô tả ông là “người được cả thế giới ca tụng là thủ tướng xuất sắc nhất kể từ thời ông Nehru”. Nhà báo Úc Greig Sheridan cũng ca ngợi ông là “một trong những chính khách vĩ đại nhất của châu Á”.
Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ thứ 2 (từ năm 2009), uy tín của thủ tướng Manmohan Singh đã bị lu mờ sau khi chính phủ dính một loạt xì-căng-đan tham nhũng lớn, dù bản thân ông vẫn giữ được sự trong sạch.
Những địch thủ chính trị như ông L.K.Advani, thủ lĩnh đảng BJP đối lập, nhận xét ông Singh không còn như xưa mà trở thành một vị thủ tướng “bạc nhược”. Tuần báo Mỹ Time số ra tháng 7-2012 cũng đánh giá ông là một “người kém cỏi”. Theo tờ báo này, ông Singh đã “thụt cổ” và hụt hơi trong cuộc cải cách kinh tế nữa khiến cho Ấn Độ đi giật lùi. Tờ The Independent cũng nhận định rằng ông Singh đã đánh mất thực lực chính trị của mình.
Kỳ tới: “Đào hoa” như ông Berlusconi
Bình luận (0)