Ông Medvedev cho biết Moscow sẽ giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng. Theo Thủ tướng Medvedev, nước này vẫn còn nhiều hướng đi chẳng hạn như các công ty và ngân hàng của Nga có thể chuyển hướng sang châu Á, thúc đẩy sản xuất trong nước để giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu.
Vị lãnh đạo này nhấn mạnh lịch sử đã chứng minh rằng các biện pháp trừng phạt không thể ở mãi trong một nước suốt thời gian dài.
Thủ tướng Dmitry Medvedev chuẩn bị bước vào cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Nga ngày 10-12.
Ảnh: REUTERS
“Sự suy yếu của đồng rúp có ảnh hưởng nhất định đến ngân sách và một số vấn đề khác nữa. Việc đó thực sự không thuận lợi cho đất nước và nền kinh tế” - ông Medvedev nói.
Hiện đồng rúp đã mất hơn 40% giá trị của nó. Hôm 10-12, đồng rúp lại đáy mới khi rớt xuống 68 euro ăn 1 rúp. Tính từ đầu năm đến nay, đồng USD đã tăng 65% giá trị so với đồng rúp.
Dù vậy, Thủ tướng Medvedev đề nghị người dân Nga kiên nhẫn và hành động như thời gian năm 2008, khi tỉ giá đồng Ruble xuống thấp nhưng sau đó tăng trở lại. Ông cũng cảnh báo người dân Nga có thể thiệt hại nặng nếu chuyển sang gửi tiết kiệm bằng đồng ngoại tệ.
Khi được hỏi về tác động từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Thủ tướng Medvedev thừa nhận: “Nền kinh tế có lẽ đã bị mất hàng chục tỉ USD”. Nhắc lại lời Tổng thống Vladimir Putin, ông Medvedev tái khẳng định biện pháp trừng phạt không chỉ làm tổn thương Nga mà cả những nước áp đặt chúng. Theo ông, Liên minh châu Âu (EU) cũng mất khoảng 40 tỉ euro do bị Moscow trừng phạt trả đũa và mức thiệt hại ước tính là 50 tỉ euro trong năm tiếp theo.
Thủ tướng Nga nói quyết định áp dụng biện pháp trừng phạt giúp chính phủ nước này đưa ra một số kết luận quan trọng, đặc biệt là nhu cầu thay đổi nhập khẩu và tạo ra ở Nga các sản phẩm cạnh tranh chất lượng. Ông tin rằng trong một vài năm tới, Nga sẽ tự túc lương thực thực phẩm và sẽ không cần nhập khẩu sản phẩm nước ngoài
Về vấn đề Crimea, thủ tướng Medvedev tuyên bố rằng vùng này đã tách khỏi lãnh thổ Ukraine là “số phận của Nga” và cho rằng đây không thuộc phạm trù kinh tế.
Bình luận (0)