Thủ tướng Yingluck cho biết sẽ làm thế với điều kiện một cuộc bầu cử khác phải được tổ chức trong vòng 60 ngày kể từ khi quốc hội bị giải tán.
Bà nói thêm không muốn chứng kiến các đảng phái tẩy chay cuộc bầu cử và dẫn tới một cuộc đảo chính quân sự tương tự những gì từng xảy ra vào năm 2006. Theo bà, nếu người biểu tình chống chính phủ bác bỏ đề xuất trên, bế tình trạng bế tắc chính trị hiện nay sẽ còn tiếp tục kéo dài.
Bà Yingluck Shinawatra tuyên bố sẽ sẵn sàng từ chức hoặc giải tán quốc hội để chấm dứt cuộc khủng hoảng
chính trị đang diễn ra. Ảnh: EPA
Trước đó một ngày, bà Yingluck tái khẳng định sẵn sàng đám phán với thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban.
Tuy nhiên, ông Suthep từng nói rõ rằng việc bà Yingluck từ chức hoặc giải tán quốc hội vẫn không chấm dứt được các cuộc biểu tình. Ông Suthep đã đề xuất thành lập một hội đồng nhân dân để điều hành đất nước, nhưng đề xuất này bị bà Yingluck bác bỏ vì coi nó là vi hiến.
Ông Suthep đã kêu gọi người dân cả nước tham gia “trận chiến cuối cùng" với chính phủ trong ngày 9-12. Theo đó, ông Suthep cho biết vào lúc 9 giờ 39 phút (giờ địa phương), mọi người biểu tình sẽ tuần hành đến trụ sở chính phủ trong nỗ lực cuối cùng để lật đổ chính phủ. Đáp lại, bà Yingluck cam kết sẽ thực hiện mọi biện pháp hòa bình có thể đề bảo vệ tòa nhà này.
Trước thềm cuộc đối đầu trên, lực lượng an ninh đã bắt đầu dựng lên rào chắn xung quanh các cơ quan chính phủ quan trọng. Theo ông Paradorn Pattnatabut, lãnh đạo Hội đồng An ninh Quốc gia, hàng ngàn cảnh sát sẽ được triển khai để đối phó cuộc biểu tình trong ngày 9-12.
Bình luận (0)