Tuyên bố được đưa ra từ tờ báo Hồng Kông do chính phủ Trung Quốc quản lý tên Văn Hối số ra ngày 12-12. Tờ này cho rằng thay vì xử tử bằng súng máy như thường lệ, ông Jang Song Thaek cùng 5 trợ lý bị lột trần, ném vào một cái lồng sắt và 120 con chó săn xông tới xé xác dưới sự chứng kiến của Kim Jong-un và 300 cán bộ cấp cao Triều Tiên.
Quân đội Triều Tiên huấn luyện chó quân sự vào tháng 6-2013. Ảnh: Reuters
Tờ Straits Times của Singapore ngày 26-12 dẫn lại bài báo này khiến thông tin càng lan rộng kéo theo nhiều người lên án nhà lãnh đạo Triều Tiên, gọi Kim Jong-un là tên bạo chúa trẻ.
Tuy nhiên, đến ngày 3-1, hàng loạt báo Mỹ đặt nghi vấn trước thông tin này. Tờ Time lập luận trước tiên, hãy xem lại độ chính xác của bản thân bài báo. Triều Tiên là một đất nước cô lập nên gần như các phóng viên không thể tác nghiệp một mình và đưa ra bài viết độc quyền về vấn đề này. Rất ít phóng viên nước ngoài được tiếp cận với đất nước và con người ở đây, trong khi đó Văn Hối chỉ là một tờ báo nhỏ ở Hồng Kông có liên hệ với chính quyền Trung Quốc. Ngay cả ở Hồng Kông, tờ báo này gần đây cũng không được bạn đọc tin tưởng. Một nghiên cứu mới cho thấy trong số 21 tờ báo của Hồng Kông, Văn Hối đứng thứ 19 về độ tin cậy.
Thêm vào đó, thông tin việc xử tử bằng chó không phù hợp với các thông tin khác về việc ông Jang bị lật đổ. Khoảng thời gian Straits Times dẫn bài báo từ Văn Hối, tờ New York Times trích dẫn nguồn tin tình báo Hàn Quốc cho rằng những trợ lý của ông Jang đã bị giết bằng cách sử dụng súng phòng không, trong khi ông Jang đã bị xử tử bằng “nhiều loại vũ khí truyền thống”.
Tờ Telegraph của Anh cũng nghi ngờ tính xác thực câu chuyện xử tử rùng rợn này. “Câu chuyện về Triều Tiên quá điên rồ, quá tàn bạo đến khó tin. Ông Kim Jong-un là một đứa trẻ chăng? Quân đội dùng ông như con mèo cho một mục đích nào đó chăng? Tất cả đều có vẻ như không thể xảy ra.”
Trong khi đó, Washington Post cho rằng câu chuyện liên quan đến chính trị. Jang Song Thaek là người thận cận với Bắc Kinh, nước này lại không hài lòng về việc xử tử dượng Kim Jong-un, nên giới bình luận nghi ngờ thông tin tung ra nhằm mục đích chính trị.
Tờ Washington Post cũng đặt câu hỏi nếu có chuyện xử tử vô nhân đạo động trời như vậy thì tại sao báo chí chính thống Trung Quốc và Hàn Quốc không hề vào cuộc. Vì vậy, các tác giả kết luận nhiều khả năng câu chuyện xử tử bằng chó ở Triều Tiên là bịa đặt.
Bình luận (0)