Sự nghiệp chính trị của Jang Song-thaek có vẻ suy sụp từ ngày 4-11-2012 khi Bộ Chính trị thành lập một ủy ban mới tên là Ủy ban Chỉ đạo Văn hóa - Thể thao và bổ nhiệm ông làm chủ nhiệm. Đây là dấu hiệu cho thấy ông Jang không còn tham gia các quyết sách nhà nước như trước kia.
“Thách thức lãnh đạo đảng”
Sự việc càng rõ ràng hơn vào cuối tháng 5-2013. Bình Nhưỡng quyết định cử Phó Nguyên soái Choe Ryong-hae - Phó Chủ tịch Ủy ban Quân ủy trung ương, Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội Triều Tiên - làm đặc sứ của Chủ tịch Kim Jong-un viếng thăm Trung Quốc chứ không phải ông Jang như trước đây.
Ngày 9-12, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) chính thức đưa tin Bộ Chính trị đã quyết định khai trừ đảng, tước bỏ mọi chức vụ đối với ông Jang Song-thaek. KCNA trích nghị quyết của Bộ Chính Trị cho hay ông Jang đã lạm dụng quyền hạn và chức vụ, thách thức cả hệ thống lãnh đạo đảng.
Nghị quyết nêu rõ ông Jang phạm 8 tội danh, từ kinh tế (tham nhũng, phá hoại), phản đảng, phản cách mạng, phản quốc đến âm mưu lật đổ chính quyền. KCNA cho biết Jang đã thú nhận trước tòa án quân sự ngày 12-12 rằng ông có âm mưu lật đổ “đồng chí lãnh tụ tối cao” (Kim Jong-un). Vài giờ sau, ông bị xử tử.
Nghị quyết đặc biệt nhấn mạnh đến tội phạm kinh tế. Theo đó, ông Jang đã can thiệp sâu vào những lĩnh vực kinh tế quan trọng nhằm trục lợi cá nhân. Theo nhật báo Hàn Quốc Chosun Ilbo, việc trục lợi này thể hiện rõ nét nhất ở Cục 54 - chuyên cung cấp điện, than đá, xăng dầu, quần áo và nhu yếu phẩm cho gần 1 triệu người trong quân đội Triều Tiên. Cục 54 cũng kinh doanh cửa hàng bách hóa ở Bình Nhưỡng, TP Wonsan và sở hữu chuỗi nhà hàng Haedanghwa ở nước ngoài.
“Vương quốc” tham nhũng
Cục 54 thuộc diện quản lý của Bộ Quốc phòng Triều Tiên. Tuy nhiên, từ khi ông Jang làm Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ quốc gia đầy quyền lực, Cục 54 nằm dưới quyền điều hành của ông Jang Su-gil, một người tâm phúc của “nhân vật số 2”. Nghị quyết đảng cho biết bằng cách này, ông Jang đã biến Cục 54 thành “vương quốc riêng” của mình.
Một nguồn tin của Trung Quốc cho biết chính phủ Triều Tiên đã từng cảnh báo Cục 54 về nạn tham nhũng ở chuỗi nhà hàng Haedanghwa. Tuy nhiên, những cuộc điều tra sau đó đều bị ông Jang vô hiệu hóa.
Theo nguồn tin tình báo Hàn Quốc, tệ nạn tham nhũng ở Cục 54 đã bị Chủ tịch Kim Jong-un phát hiện khi ông đi kiểm tra một số đơn vị quân đội. Tại đây, ông nghe cán bộ và chiến sĩ ta thán về tình trạng thiếu thốn quân nhu một cách đáng ngờ. Ông ra lệnh tường trình sự việc nhưng Cục 54 phớt lờ.
Chủ tịch Kim Jong-un lập tức cho thanh tra và phát hiện ra rằng lệnh của mình không bằng “lệnh ông Jang”, người mà ông gọi bằng dượng. Cuộc thanh tra kết thúc hồi tháng 10 vừa qua với kết quả Jang Su-gil và Ri Yong-ha, 2 người tâm phúc của Jang, bị bắt và xử tử ngày 12-11. Một tuần sau, đến lượt Jang Song-thaek bị bắt biệt giam ở một nơi bí mật - theo nguồn tin tình báo Hàn Quốc.
Việc Đài Truyền hình trung ương Triều Tiên truyền trực tiếp cảnh ông Jang bị bắt lúc tham dự hội nghị mở rộng Bộ Chính trị ngày 8-12 chỉ là một vụ dàn cảnh nhằm chứng minh toàn đảng nhất trí trừng trị “kẻ phản đảng” họ Jang, đồng thời thể hiện quyền uy tuyệt đối của Chủ tịch Kim Jung-un.
Ngạo mạn, khinh suất
Bình luận về cái chết của Jang Song-thaek, nhật báo Hàn Quốc Korea Herald tin rằng ngoài những tội kể trên, ông này còn ỷ mình thuộc hàng cha chú, lại có công trạng lớn thời ông nội và cha của đương kim Chủ tịch Kim Jong-un nên đã không bày tỏ sự tôn trọng đúng mực với nhà lãnh đạo trẻ.
Tháng 9-2010, khi ông Kim Jong-il chính thức tuyên bố con trai Kim Jong-un là người thừa kế, các thước phim tài liệu cho thấy ông Jang chỉ vỗ tay lấy lệ trong khi những người khác vỗ tay ầm ầm. Nhiều bức ảnh cũng thể hiện sự ngạo mạn đó, chẳng hạn bức chụp ông Jang lơ đãng nhìn nơi khác trong lúc ông Kim Jong-un đọc diễn văn trong một cuộc họp quan trọng của Đảng Lao động Triều Tiên hồi đầu năm nay.
Tháng 11 vừa qua, một bức ảnh khác cho thấy ông Jang thọc tay trong túi quần khi tháp tùng Chủ tịch Kim Jong-un. Ở Triều Tiên, thái độ đó được coi là vô lễ đối với cấp trên.
Ông Hong Hyun-ik, nhà phân tích chính trị ở Viện Sejong - Hàn Quốc, nhận định: “Tội của ông Jang là quá khinh suất. Là nhân vật số 2 nhưng ông ấy muốn trở thành nhân vật số 1 trong mắt người dân”. n
Cuộc chiến “quan nhiếp chính”
Cũng như ông Jang Song-thaek, Phó Nguyên soái Choe Ryong-hae được coi là “đồng quan nhiếp chính” của ông Kim Jong-un. Dù từng hợp lực hạ bệ Tổng Tham mưu trưởng Ri Yong-ho hồi tháng 7-2012, hai vị công thần này - vốn là phụ tá thân cận của cố Chủ tịch Kim Jong-il - luôn kình chống nhau theo kiểu “một rừng không thể có 2 cọp”.
Theo các nguồn tin tình báo Hàn Quốc, cả 2 đều có lực lượng và nguồn tài chính riêng trong quân đội để thực hiện các tham vọng của mình. Cuộc chiến đã ngả ngũ hồi tháng 5 vừa qua khi ông Choe được Chủ tịch Kim Jong-un chọn làm đặc sứ viếng thăm Trung Quốc. Trước đó, nhà lãnh đạo trẻ luôn chọn “dượng Jang”.
Kỳ tới: Không “tề gia”, sao “trị quốc”!
Bình luận (0)