Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã leo thang lên một mức mới sau khi Washington tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, dẫn đến cảnh báo trả đũa của Bắc Kinh.
Mức thuế mới nói trên chính thức có hiệu lực từ ngày 10-5. Bộ Thương mại Trung Quốc lập tức tuyên bố vô cùng lấy làm tiếc vì động thái tăng thuế của Mỹ và sẽ phải thực hiện những biện pháp đáp trả cần thiết nhưng không cho biết chi tiết. Song song đó, nền kinh tế thứ 2 thế giới vẫn kêu gọi Mỹ tiếp tục hợp tác để giải quyết những bất đồng còn lại.
Điều đáng nói là Mỹ có động thái cứng rắn trên ngay cả khi phái đoàn do Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dẫn đầu đang đàm phán với giới chức Mỹ tại thủ đô Washington. Ông Lưu bày tỏ hy vọng sẽ có các cuộc trao đổi hợp lý và thẳng thắn với phía Washington trong lúc nhấn mạnh tăng thuế không phải là giải pháp nhưng lại gây hại cho Trung Quốc, Mỹ và toàn thế giới.
Trước thềm vòng đàm phán mới nhất, diễn ra trong 2 ngày 9 và 10-5 (giờ Washington), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng hai bên vẫn có thể đạt được thỏa thuận sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi thư cho ông. Dù vậy, một số nhà phân tích đánh giá khả năng về một kết quả đột phá tại vòng đàm phán thứ 11 này là không cao.
Ông Scott Kennedy, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), cho biết theo sau động thái tăng thuế, chiến lược của đội ngũ đàm phán Mỹ là thẳng thắn. "Phía Mỹ nói Trung Quốc cần phải khôi phục lại tất cả những gì hai bên đã thỏa thuận trước đó" - chuyên gia này dự báo với tờ South China Morning Post.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc bắt tay Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin bên ngoài Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ tại Washington hôm 9-5 Ảnh: Reuters
Theo đài CNN, động thái tăng thuế của chính quyền ông Trump khiến không ít doanh nghiệp Mỹ bất ngờ, nhất là khi nhiều nhà nhập khẩu chỉ nhận được thông báo 5 ngày trước khi quyết định chính thức có hiệu lực. "Động thái tăng thuế gây hại đáng kể cho ngành công nghiệp, nông dân và người tiêu dùng Mỹ. Nói một cách đơn giản, đây là khoản thuế người Mỹ phải gánh" - ông Jacob Parker, Phó Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Mỹ - Trung Quốc, tổ chức thương mại đại diện cho lợi ích của các công ty Mỹ ở Trung Quốc, nhận định với đài CNN.
Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ ước tính mức thuế 25% lên hàng may mặc nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ khiến một gia đình 4 người ở Mỹ tốn thêm 500 USD/năm. Ông Gary Shapiro, Giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghệ Tiêu dùng, cũng cho rằng người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ sẽ phải trả cho mức thuế tăng thêm, không phải Trung Quốc như những gì ông Donald Trump khẳng định.
"Các biện pháp thuế quan được thực thi đã khiến ngành công nghệ Mỹ thiệt hại thêm khoảng 1 tỉ USD/tháng kể từ tháng 10 năm ngoái. Số tiền này có thể là sự sống còn đối với các doanh nghiệp nhỏ và công ty khởi nghiệp vốn không thể gánh được chi phí gia tăng". Các chuyên gia kinh tế nhận định người tiêu dùng Mỹ sẽ cảm nhận được tác động từ động thái tăng thuế mới nói trên trong 3-4 tháng tới. Trong khi đó, các nhà bán lẻ không có lựa chọn nào ngoài việc tăng giá hàng loạt sản phẩm để trang trải cho chi phí nhập khẩu tăng cao.
Nặng nề hơn, ông Kip Eideberg, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị Mỹ, cho biết thuế quan mới sẽ làm giảm hoạt động xuất khẩu và đe dọa đến 400.000 công việc trong lĩnh vực sản xuất thiết bị trong vòng 10 năm tới. Dù bày tỏ sự ủng hộ dành cho những nỗ lực của ông chủ Nhà Trắng trong việc đối phó các tập quán thương mại và đầu tư "không công bằng" của Trung Quốc, ông Eideberg nhấn mạnh việc đơn phương áp thuế không phải là hướng đi đúng đắn.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire hôm 10-5 cũng cảnh báo sự leo thang trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với tăng trưởng toàn cầu và công ăn việc làm khắp châu Âu. "Thuế quan tăng lên đồng nghĩa ít hàng hóa lưu thông trên thế giới và việc làm ở Pháp cũng như ở châu Âu sẽ bị đe dọa" - bộ trưởng này cảnh báo.
Bình luận (0)