Hàng ngàn người biểu tình đã tràn ra đường phố Bangkok từ ngày 1-11 tới nay Ảnh: REUTERS
Dự luật trên đã được Hạ viện Thái Lan thông qua và gây tranh cãi bởi nó sẽ xóa án cho mọi lãnh đạo từng dính vào chính biến kể từ năm 2004. Được Đảng Pheu Thai cầm quyền hậu thuẫn nên mục đích chính của dự luật được cho là mở đường về nước cho cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người bị kết án 2 năm tù vì tham nhũng vào năm 2008. Tuy nhiên, nhiều khả năng dự luật cũng có lợi cho các đối thủ của ông Thaksin, đó là cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva và cấp phó Suthep Thaugsuban. Hai người này vừa bị cáo buộc ra lệnh trấn áp người biểu tình năm 2010 khiến khoảng 90 người thiệt mạng.
Ngày 5-11, Thủ tướng Yingluck Shinawatra tuyên bố sẽ để thượng viện định đoạt số phận của dự luật. Cùng ngày, Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia Thái Lan (NACC) phản đối dự luật do lo ngại tác động xấu đến cuộc chiến chống tham nhũng. Theo NACC, trong số các trường hợp tham nhũng bị điều tra, có khoảng 400 vụ liên quan tới chính trị gia cấp cao.
Thượng viện sẽ thảo luận dự luật vào ngày 11-11 tới và cần ít nhất 76/150 thượng nghị sĩ ủng hộ để được thông qua. Ngày 6-11, người phát ngôn Pheu Thai, ông Prompong Nopparit, cho biết đảng này sẽ không trình lại dự luật ân xá nếu thượng viện bác bỏ.
Đến nay, đã có 9 nước và vùng lãnh thổ cảnh báo công dân hạn chế đến Thái Lan do lo ngại biểu tình, bao gồm Canada, Brazil, Israel, Nhật Bản, Anh, Pháp, Úc, Thụy Điển và Đài Loan.
Bình luận (0)