Chính phủ Pháp đã có phản ứng giận dữ sau khi Úc hủy hợp đồng mua 12 tàu ngầm của Tập đoàn Naval Group và chuyển sang mua ít nhất 8 tàu ngầm hạt nhân trang bị công nghệ Anh và Mỹ.
Pháp đã triệu hồi đại sứ ở Mỹ và Úc về nước để tham vấn vào tuần rồi. Trong khi đó, Đại sứ Pháp tại Úc Jean-Pierre Thebault không ngần ngại cáo buộc Canberra "dối trá" trong suốt 18 tháng.
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng Paris đã bị đồng minh "đâm sau lưng". Mới nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly quyết định hủy cuộc gặp với người đồng cấp Anh Ben Wallace dự kiến diễn ra tại London trong tuần này.
Theo các chuyên gia, Paris có một số lý do để nổi giận đến thế.
Tàu ngầm hạt nhân USS Missouri của Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Lý do đầu tiên là kinh tế, theo báo The Washington Post. Ông Pierre Morcos, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, trụ sở ở Mỹ) cho rằng thỏa thuận có ý nghĩa kinh tế lớn đối với lĩnh vực quốc phòng Pháp.
Thương vụ ước tính có giá trị 66 tỉ USD này có thể mang lại lợi ích cho cả một mạng lưới doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Pháp. Tầm quan trọng của thỏa thuận được so sáng với thương vụ bán 36 chiến đấu cơ Rafale cho Ấn Độ hồi năm 2015.
Thứ hai là tổn thất về chiến lược. Khi Paris và Canberra đi đến thỏa thuận này năm 2016, chính phủ Pháp đã ca ngợi về "mối quan hệ đối tác chiến lược" giữa hai nước trong 50 năm tiếp theo. Giờ đây, toàn bộ khuôn khổ hợp tác này đang bị đe dọa.
Giới chức Pháp khi đó cũng tin rằng thỏa thuận tàu ngầm với Úc cũng là hình mẫu cho sự hợp tác giữa Paris và Washington do chi nhánh tại Úc của Tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin (Mỹ) dự kiến cũng tham gia.
Một tàu ngầm Pháp. Ảnh: Naval Group
Không dừng lại ở đó, thương vụ tàu ngầm Mỹ - Úc - Anh cũng sẽ không có lợi cho chiến lược của Paris ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi Pháp hiện có khoảng 2 triệu công dân sinh sống và hơn 7.000 binh sĩ đóng quân
The ông Morcos, Pháp xem mình là quốc gia có thể đóng vai trò duy trì ổn định tại khu vực và chiến lược của Paris phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ đối tác với những nước như Úc, Singapore, Nhật Bản.
Vì thế, chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron không khỏi bất bình khi thấy Pháp bị gạt ra rìa đối với thỏa thuận 3 bên Mỹ - Anh - Úc, được cho là nhằm đối phó với ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc tại khu vực,
Tuyên bố chung của hai bộ trưởng Jean-Yves Le Drian và Florence Parly cũng cho thấy tâm trạng này khi chỉ trích Mỹ đã loại Pháp, một đồng minh và đối tác, ra khỏi mối quan hệ đối tác với Úc vào thời điểm các nước này đối mặt thách thức chưa từng có ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
"Quan điểm ở Paris là Mỹ đã hình thành một liên minh với 2 đối tác trong bí mật, từ đó làm suy yếu toàn bộ chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Pháp trong thập kỷ qua. Việc không đưa Pháp vào (thỏa thuận 3 bên) là điều không thể giải thích được" - ông Benjamin Haddad, chuyên gia tại Hội đồng Atlantic (Mỹ) nhận định với tờ The Financial Times.
Bình luận (0)