Áo - cầu nối giữa Đông và Tây Âu - vừa trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc đối với người chưa tiêm chủng vắc-xin Covid-19, bắt đầu từ ngày 15-11. Những người trên 12 tuổi chưa tiêm chủng bị cấm rời nhà, chỉ trừ một số trường hợp cơ bản như đi làm, mua thực phẩm, có lý do y tế…, theo đài CNN.
Mục đích của Áo là muốn nâng tỉ lệ tiêm phòng Covid-19 thuộc loại thấp nhất Liên minh châu Âu (EU) của mình, hiện ở mức 65%.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), người không tiêm chủng có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn 5 lần và có nguy cơ tử vong cao hơn 10 lần so với người đã tiêm.
Hệ thống y tế ở nhiều nước đang phải vật lộn với các làn sóng lây nhiễm mới mà bệnh nhân đa phần chưa tiêm vắc-xin Covid-19. Do đó, không khó hiểu khi nhiều nước bắt đầu "mạnh tay" với họ.
Tại thủ đô Berlin của Đức, từ ngày 15-11, hệ thống "2G" được kích hoạt - tức chỉ cho phép người tiêm chủng đầy đủ hoặc đã khỏi bệnh vào các địa điểm giải trí cùng một số địa điểm trong nhà khác như nhà hàng, quán bar, phòng tập gym, làm tóc… Nhà hát, bảo tàng và các sự kiện ngoài trời có hơn 2.000 người tham dự cũng "cấm cửa" người trưởng thành chưa tiêm chủng.
Trong khi đó, chính phủ Singapore gần đây thông báo bắt đầu từ ngày 8-12 tới sẽ không trả phí điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 "đã lựa chọn không tiêm chủng". Lâu nay Singapore vẫn chi trả toàn bộ những chi phí trên để "tránh gây thêm gánh nặng tài chính cho xã hội đang bất ổn", theo Bộ Y tế nước này.
Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung nhấn mạnh: "Chúng tôi buộc phải gửi tín hiệu quan trọng này để yêu cầu mọi người tiêm chủng khi đủ điều kiện". Singapore đã tiêm phòng đầy đủ cho khoảng 83% dân số.
Người dân chờ phía trước một điểm tiêm phòng Covid-19 ở thủ đô Vienna - Áo hôm 14-11. Ảnh: REUTERS
Tại New Zealand, nước này bắt buộc tiêm chủng đối với toàn bộ nhân viên của tiệm làm tóc, quán bar, nhà hàng, phòng tập gym…, với mục đích đạt tỉ lệ tiêm chủng 90% dân số trên 12 tuổi đủ điều kiện tiêm vào cuối tháng 11 này. Quy định này ảnh hưởng tới 40% lực lượng lao động của New Zealand, theo trang Vox.
Tỉ lệ tiêm chủng và những hệ quả kéo theo - dễ thấy nhất hiện nay là ở châu Âu - được xem như lời cảnh tỉnh cho toàn thế giới. Tuy số ca tăng mạnh trên toàn châu lục song tỉ lệ tử vong giữa Đông và Tây Âu rất chênh lệch, theo đài NBC News.
"Tỉ lệ phủ vắc-xin cao đã hạn chế số lượng lớn ca tử vong và nhập viện" - ông Tom Wenseleers, chuyên gia sinh học tại Trường ĐH KU Leuven (Bỉ), nhận định về tình hình tại Đức, Hà Lan và Bỉ lúc này.
Ngược lại, với tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ chưa tới 23% và 34% dân số - theo số liệu mới nhất của Trường ĐH Johns Hopkins (Mỹ), Bulgaria và Romania đang nằm trong nhóm nước có tỉ lệ tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới.
Để củng cố hàng rào miễn dịch trước Covid-19, nhiều nước bắt đầu đột phá vào nhóm đối tượng chưa được ưu tiên tiêm chủng trước đây là trẻ em. Hôm 14-11, Israel đã thông qua quyết định tiêm vắc-xin Covid-19 cho nhóm tuổi 5-11 và Pfizer/BioNTech là vắc-xin được chọn, theo hãng tin AP.
Tương tự, Úc có thể tiêm chủng cho trẻ em dưới 12 tuổi từ tháng 1 năm sau. Dù khởi đầu chậm hơn nhiều so với nhiều nước, Úc đã tăng tốc ấn tượng để trở thành một trong những quốc gia có tỉ lệ tiêm phòng Covid-19 hàng đầu thế giới. Theo Reuters, tính đến cuối tuần trước, Úc đã vượt mốc tiêm 2 mũi cho 83% dân số trên 16 tuổi và tiêm cho 57,5 % trẻ em từ 12-15 tuổi.
Nơi nới, nơi siết
Từ ngày 15-11, Ấn Độ mở cửa biên giới cho du khách nước ngoài sau 20 tháng áp đặt các biện pháp ngăn dịch Covid-19, khi số ca mắc mới duy trì ở mức thấp và tỉ lệ tiêm chủng tăng.
Sau khi ngừng cấp thị thực du lịch vào tháng 3 năm ngoái, Ấn Độ hiện cho phép nhập cảnh miễn cách ly đối với du khách đã được tiêm chủng đầy đủ đến từ 99 quốc gia. Theo Bloomberg, những du khách này phải tự giám sát sức khỏe trong vòng 14 ngày sau khi nhập cảnh. Cùng ngày 15-11, bang Queensland của Úc cũng nới lỏng một số hạn chế nhờ đạt mốc 70% người dân được tiêm phòng sớm hơn kế hoạch. Thủ hiến bang Queensland Annastacia Palaszczuk cho hay du khách phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi đến đây cùng với giấy thông hành hợp lệ.
Trong khi đó, Đức đang soạn thảo một dự luật gồm nhiều biện pháp, như yêu cầu người lao động làm việc tại nhà, trong nỗ lực khống chế làn sóng dịch Covid-19 mạnh nhất từ đầu dịch đến nay. Theo kế hoạch dự thảo, bất kỳ nhân viên nào đến công sở đều phải có chứng nhận tiêm vắc-xin hoặc kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Dự luật sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Hạ viện Đức vào ngày 18-11 trước khi trình lên Thượng viện một ngày sau đó.
Tại Trung Quốc, tình hình căng thẳng hơn khi nền kinh tế số hai thế giới đang cố ngăn đợt bùng phát dịch Covid-19 lớn nhất từ trước đến nay vì biến thể Delta, với số ca mắc có triệu chứng trong cộng đồng nhiều nhất hiện ở TP Đại Liên. Hãng tin Reuters thống kê tính từ ngày 17-10 đến nay, Trung Quốc có 1.308 ca nhiễm trong cộng đồng, lan rộng ra 21 tỉnh, khu vực và thành phố trực thuộc trung ương.
Nhằm chuẩn bị cho nguy cơ bùng phát dịch trở lại trong mùa đông này, Nhật Bản đã đưa ra kế hoạch khẩn cấp tăng cường giường bệnh và nguồn lực y tế. Theo Reuters, Nhật Bản sẽ chi khoảng 1,2 tỉ USD cho 1,6 triệu liệu trình thuốc kháng virus Molnupiravir do hãng Merck và Ridgeback Biotherapeutics phát triển.
Xuân Mai
Bình luận (0)