Hội đàm với tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 30-6 tại Nhà Trắng, ông Donald Trump thể hiện sự đồng điệu khi quả quyết "luôn bảo vệ đồng minh" và cùng bày tỏ lập trường không khoan nhượng với Triều Tiên.
Nhưng với thương mại thì khác. Tổng thống Mỹ yêu cầu Hàn Quốc mở cửa thị trường cho xe hơi Mỹ và bớt "đổ đống" thép vào nước mình. Vĩ mô hơn, ông quyết xét lại hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc mà người tiền nhiệm Barack Obama ký vào năm 2012.
Theo báo Mỹ The New York Times, quyết định trừng phạt các thực thể và cá nhân Trung Quốc "làm ăn với Triều Tiên" mà ông Donald Trump đưa ra hồi giữa tuần không chỉ là lời cảnh cáo cho Trung Quốc mà còn chuyển thông điệp tới ông Moon - rằng Washington đang chọn cách tăng cường sức ép hơn là giải pháp ngoại giao với Bình Nhưỡng.
Nhiều nhà phân tích lo ngại trong tương lai, 2 nhà lãnh đạo sẽ càng bằng mặt, không bằng lòng khi ông chủ Nhà Trắng hầu như rất ít kiên nhẫn với cách tiếp cận Triều Tiên "bằng cả trừng phạt lẫn đối thoại" của ông chủ Nhà Xanh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Nhà Trắng hôm 30-6 Ảnh: THE NEW YORK TIMES
"Ông Donald Trump gây áp lực với cả đồng minh và đối thủ, ngay cả khi đối thủ đang lấn ép đồng minh" - ông Evan S.Medeiros, giám đốc cấp cao về châu Á trong Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ dưới thời ông Obama, nhận xét về chiến lược mới mà ông Trump hiện áp dụng cho một trong trong những khu vực căng thẳng nhất thế giới.
Một số chuyên gia ngạc nhiên khi thấy tổng thống Mỹ nặng lời chỉ trích Hàn Quốc về mặt thương mại, nhất là khi nhiều công ty Hàn Quốc đang bị Trung Quốc trừng phạt để trả đũa chuyện Seoul quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Như nhiều nguyên thủ thế giới khác, ông Moon mang theo nhiều lợi ích kinh tế đến Nhà Trắng, bao gồm thỏa thuận 25 tỉ USD mua khí đốt Mỹ và kế hoạch đầu tư 12,8 tỉ USD của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Mỹ trong 50 năm tới... Nhưng như thế chưa đủ xoa dịu ông Donald Trump. Theo hãng tin AP, tổng thống Mỹ nhấn mạnh: "Mỹ bị thâm hụt thương mại với rất nhiều nước. Chúng tôi không thể để tình trạng này tiếp tục. Và chúng tôi sẽ bắt đầu ngay với Hàn Quốc".
AP cho hay kim ngạch thương mại 2 chiều Mỹ - Hàn đạt 144 tỉ USD vào năm ngoái song Mỹ bị thâm hụt 17 tỉ USD. Trong cuộc hội đàm tại Phòng Bầu dục, ông Donald Trump mời Bộ trưởng Thương mại của mình là ông Wilbur Ross liệt kê một danh sách những lời phàn nàn dành cho tổng thống Hàn Quốc trước sự chứng kiến của báo giới.
Trong những ngày tới, Nhà Trắng dự kiến công bố kết quả điều tra ngành thép và nhiều khả năng dẫn đến các biện pháp trả đũa, bao gồm đánh thuế thép nhập khẩu. Hàn Quốc là nước xuất khẩu thép lớn thứ hai vào Mỹ (tính theo giá trị), chỉ sau Canada.
Tuy Trung Quốc không chiếm nhiều "chỗ" trong thị trường thép Mỹ song nước này vẫn gây ảnh hưởng lớn lên thị trường thép toàn cầu vì sản xuất quá nhiều. Thép thừa mứa từ Trung Quốc được nhập vào nhiều nước để rồi cuối cùng vẫn đến Mỹ trong hình hài các loại sản phẩm khác nhau.
Ngày càng có nhiều dấu hiệu ông Donald Trump sẽ khởi động chiến dịch thương mại chống lại Trung Quốc, sau khi chính ông kết luận Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa gây đủ sức ép để kiềm chế các hoạt động tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Một trong số các dấu hiệu là bật đèn xanh cho việc bán số vũ khí trị giá 1,4 tỉ USD cho Đài Loan.
Theo The New York Times, các tiếp cận mạnh tay mới của ông Donald Trump cũng là phép thử xem ông có thể cùng lúc bảo hộ kinh tế Mỹ và tiếp tục hợp tác với Trung Quốc, Hàn Quốc về các vấn đề an ninh hay không.
Bình luận (0)