Chính phủ Indonesia đang cho lập cơ quan chịu trách nhiệm xử lý thông tin giả nhằm theo dõi tin tức lưu hành trên mạng và bảo vệ các cơ quan nhà nước thoát khỏi sự tấn công của tin tặc. Bộ trưởng An ninh Indonesia Wiranto nhận định đây là bước đi cần thiết trong bối cảnh bùng nổ tin tức vu khống, giả tạo, sai lạc và lan truyền sự thù ghét thông qua các dịch vụ nhắn tin, như WhatsApp và mạng xã hội như Facebook, Twitter… Giới chức Indonesia cho biết cơ quan này có nhiệm vụ theo dõi những tin tức lan truyền trên mạng để xác định đâu là tin giả.
Theo tạp chí Time, hành động chia sẻ thông tin giả trên mạng ở Indonesia không chỉ dẫn đến căng thẳng chính trị, sắc tộc mà còn gây ra những thảm kịch chết người. Chẳng hạn như một đoạn video ghi lại bài diễn văn tranh cử của Thống đốc Jakarta, ông Basuki Tjahaja Purnama (còn gọi là Ahok), đã được chỉnh sửa và đưa lên mạng xã hội Facebook hồi tháng 9-2016, dẫn đến cáo buộc từ những người Hồi giáo bảo thủ rằng quan chức này phỉ báng kinh Koran. Ba cuộc biểu tình khổng lồ sau đó đã nổ ra làm 1 người thiệt mạng và 250 người bị thương hôm 4-11-2016. Điều đáng nói là không chỉ kẻ phát tán video giả bị đưa ra xét xử mà cả ông Ahok cũng phải hầu tòa vì cáo buộc báng bổ.
Để đối phó tình hình ngày một nghiêm trọng, cảnh sát Indonesia thông báo lực lượng này sẽ đẩy mạnh nỗ lực truy lùng những kẻ tạo và phát tán tin giả trên mạng. Phát ngôn viên cảnh sát, ông Martinus Sitompul, cho biết đã nhận được hơn 2.700 đơn khiếu nại liên quan đến tin tức giả trong năm 2016, trong đó 40% được xử lý. Nhà chức trách hiện ưu tiên xem xét những khiếu nại về tin giả mà nạn nhân là số đông người dân, người nổi tiếng và quan chức.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm các website, blog và tài khoản mạng xã hội nào thường xuyên phát tán thông tin giả; nâng cao trình độ các đơn vị chuyên đối phó với tội phạm trên mạng để xử lý lượng đơn khiếu nại nhận được” - ông Martinus nhấn mạnh với tờ The Jakarta Post. Dù vậy, đây không phải là cuộc chiến dễ dàng bởi hơn phân nửa trong số 250 triệu dân Indonesia sử dụng internet và 129 triệu người có tài khoản trên mạng xã hội.
Không chỉ Indonesia, nhiều quốc gia khác, trong đó có Đức, Mỹ…, cũng đang vất vả đối phó với làn sóng thông tin giả lan tràn trên internet. Theo website Death And Taxes ngày 5-1, không ít người nhẹ dạ gần đây đã giật mình khi trên mạng lan truyền tin giả về cái chết của tỉ phú Donald Trump sau một cơn đau tim. Thậm chí, người đọc còn được kêu gọi chia sẻ tin này để mọi người được biết về sự ra đi của ông Trump. Tin giả trở thành tâm điểm chú ý trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua khi bị quy trách nhiệm là một trong những nguyên nhân khiến ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton thất bại.
Chứng kiến những gì xảy ra ở Mỹ, nước Đức có lý do để lo lắng bởi các cuộc bầu cử quan trọng dự kiến diễn ra trong năm nay. Vì thế, nhiều khả năng quốc hội nước này thông qua luật phạt mạng xã hội Facebook đến 500.000 euro/ngày cho “mỗi thông tin giả” được đăng tải và phát tán trên đó. Ngoài ra, Đức còn thúc đẩy thành lập một cơ quan chính phủ có nhiệm vụ chống lại hiện tượng lan truyền tin giả. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên tiến biện hộ bước đi này với lý do tranh luận chính trị đang diễn ra trong một môi trường truyền thông hoàn toàn mới, trong đó có sự phổ biến của tin giả.
Bình luận (0)