Đài ABC dẫn lời ông Pyne cho biết tin tặc nói trên đã xâm nhập mạng lưới của một nhà thầu quốc phòng nhỏ.
Khoảng 30 GB dữ liệu bị đánh cắp trong vụ tấn công mạng này, bao gồm chi tiết về máy bay chiến đấu F-35 và máy bay tuần tra hàng hải Poseidon P-8.
Tuy nhiên, các dữ liệu bị đánh cắp là dữ liệu thương mại chứ không phải dữ liệu quân sự, đồng thời cũng không phải là thông tin mật.
Ông Pyne nói thêm chưa xác định được ai đứng sau vụ tấn công này, chỉ biết hắn có biệt danh "Alf".
Một máy bay F-35 Lightning II của quân đội Úc. Ảnh: ROYAL AUSTRALIAN AIR FORCE
Theo trang web công nghệ ZDNet, các vụ tấn công diễn ra từ tháng 7 năm ngoái nhưng chỉ bị phát hiện vào tháng 11 cùng năm. Kẻ tấn công sử dụng công cụ được tội phạm mạng Trung Quốc ưa chuộng, gọi là "China Chopper".
Tại một hội nghị ở TP Sydney, quan chức thuộc Cục Tình báo Tín hiệu điện tử Úc (ASD) Mitchell Clarke, cho hay thông tin kỹ thuật về bom thông minh, tiêm kích F-35, máy bay Poseidon P-8 và một số tàu hải quân đã bị đánh cắp.
Kẻ tấn công đã truy cập hệ thống của nhà thầu quốc phòng (quy mô nhỏ) trong vòng 5 tháng. Cách lựa chọn mục tiêu "có hệ thống, chắc chắn và có chủ ý".
Phát ngôn viên Trung tâm An ninh mạng Úc (ACSC) từ chối bình luận chi tiết về vụ tấn công. Trong một báo cáo hôm 9-10, ACSC xác nhận họ đã chống lại 734 vụ tấn công mạng, trong đó mục tiêu chính là ngành công nghiệp quốc phòng.
Năm 2016, cơ quan này ghi nhận 1.095 vụ tấn công mạng trong vòng 18 tháng, bao gồm sự xâm nhập của một cơ quan tình báo nước ngoài vào cơ quan dự báo thời tiết.
"Tia chớp" F-35 được tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) phát triển. Úc đã đồng ý mua 72 chiếc tiêm kích loại này trị giá 17 tỉ AUD (hơn 13 tỉ USD) để tăng cường năng lực quân sự.
Bộ trưởng Pyne cho biết Úc ngày càng trở thành mục tiêu của bọn tội phạm mạng do Canberra đang thực hiện một dự án tàu ngầm lớn trị giá 50 tỉ AUD (39 tỉ USD) mà ông mô tả là lớn nhất thế giới.
Bình luận (0)