Theo tiết lộ từ một nguồn tin quốc hội Mỹ hôm 10-5, ông Comey đã thông báo với các nhà lập pháp rằng ông đánh tiếng với Bộ Tư pháp về vấn đề trên sau khi Ủy ban Tình báo Thượng viện (SIC) - vốn đang tiến hành một cuộc điều tra riêng - đề nghị FBI tăng tốc cuộc điều tra của mình. Tuy vậy, người phát ngôn Bộ Tư pháp Mỹ Sarah Isgur Flores phản hồi với truyền thông rằng "không có yêu cầu nào như vậy".
Trong bức thư chia tay gửi tới các nhân viên FBI được đài CNN đăng tải hôm 10-5, ông Comey cho biết ông "từ lâu đã biết tổng thống có thể sa thải giám đốc FBI vì bất kỳ lý do gì hoặc không vì lý do gì cả". Ông nói thêm sẽ không để tâm tới quyết định của ông Trump.
Cho tới nay, Tổng thống Trump đã sa thải 3 người từng tiến hành các vụ điều tra liên quan đến ông hoặc chiến dịch tranh cử của ông. Trước ông Comey, tổng thống Mỹ đã "trảm" bà Sally Yates, quyền Bộ trưởng Tư pháp và công tố viên khu vực Nam New York, ông Preet Bharara. Theo tiết lộ của Reuters, sự giận dữ của Tổng thống Trump đối với ông Comey đã âm ỉ từ nhiều tháng nay.
Cơn giận này lên đến đỉnh điểm khi ông Comey từ chối cho các phụ tá thân cận của ông Trump "duyệt trước" những gì định nói tại phiên điều trần trước Thượng viện hôm 3-5 về vụ điều tra bê bối sử dụng email của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Ông chủ Nhà Trắng và trợ lý cho rằng đây là hành động không chịu phục tùng. Tuy nhiên, khi đề cập nguyên nhân sa thải ông Comey hôm 10-5, ông Trump chỉ nói ngắn gọn: "Đơn giản là ông ta đã không làm tốt công việc".
Cựu Giám đốc FBI James Comey có thể ra điều trần với tư cách thường dân Ảnh: REUTERS
Quyết định được cho là "đùa với lửa" này của ông Trump khiến các quan chức chính quyền ông lâm vào tình huống dở khóc dở cười, như việc phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer có thời điểm phải "trốn vào bụi rậm" để né cánh phóng viên, theo tờ The Washington Post. Đài CNN cho rằng ông Trump đã có nhiều tính toán sai trong quyết định này. Giới phân tích cũng cho rằng cuộc gặp của ông Trump với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại Nhà Trắng hôm 10-5, ngay sau khi sa thải ông Comey, là không đúng lúc.
Các nghị sĩ Đảng Dân chủ đồng loạt cáo buộc hành động sa thải ông Comey rõ ràng là nhằm hủy hoại cuộc điều tra của FBI. Đi xa hơn, một số nhà lập pháp cáo buộc ông chủ Nhà Trắng muốn che đậy những việc làm sai trái liên quan tới Moscow. Tuy nhiên, trang Vox nhắc nhở rằng các cuộc điều tra tương tự vẫn đang diễn ra tại Hạ viện và SIC.
Hôm 10-5, SIC đã gửi trát yêu cầu ông Michael Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, cung cấp các tài liệu liên quan đến Nga để phục vụ cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Chưa hết, Chủ tịch SIC Richard Burr còn đề nghị "sếp" FBI mới bị cách chức tới một cuộc điều trần của ủy ban này vào tuần tới với tư cách thường dân.
Bình luận (0)