Theo đơn kiện của một nhóm nhân quyền có tên gọi Trung tâm Tư pháp Mỹ (AJC), ông Modi đã không làm gì để ngăn chặn làn sóng bạo động chống người Hồi giáo khi còn là thủ hiến bang Gujarat năm 2002.
Tuy nhiên, thẩm phán liên bang Analisa Torres tại TP New York phán quyết rằng vụ kiện không thuộc thẩm quyền phân xử của tòa án của bà sau khi Chính phủ Mỹ lập luận rằng ông Modi được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao do đang là người đứng đầu chính phủ một nước.
Phán quyết này được đưa ra gần 2 tuần trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến là khách mời danh dự tại lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa Ấn Độ vào ngày 26-1 tới.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: Reuters
Trước đó, vào tháng 9-2014, một tòa án ở TP New York yêu cầu ông Modi trả lời những cáo buộc nói trên ngay trước khi ông có chuyến công du đến Mỹ. Tuy nhiên, đến tháng 10-2014, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã công nhận quyền miễn trừ ngoại giao của ông Modi.
Các vụ bạo lực chống người Hồi giáo đã làm ít nhất 1.000 người thiệt mạng ở bang Gujarat vào năm 2002. Ông Modi khi đó khẳng định mình không làm gì sai và các tòa án Ấn Độ đã bác mọi cáo buộc nhằm vào ông. Tuy nhiên, Mỹ đã từ chối cấp thị thực cho ông Modi từ năm 2005 do làn sóng bạo lực trên. Lệnh cấm thị thực này chỉ được bãi bỏ sau khi ông Modi lên làm thủ tướng năm ngoái.
Bình luận (0)