Thông tin trên do hãng tin Reuters dẫn 4 nguồn thạo tin công bố hôm 30-4.
Theo các nguồn tin, trong một cuộc điện đàm hôm 2-4, Tổng thống Trump nói với Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman rằng nếu Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không cắt giảm hoạt động sản xuất, quân đội Mỹ có khả năng sẽ rút khỏi vương quốc này.
Thông điệp được nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra 10 ngày trước khi tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu mỏ. Đây cũng là trọng tâm của chiến dịch gây áp lực của Washington nhằm cắt giảm nguồn cung dầu trong bối cảnh đại địch Covid-19 khiến sức mua giảm mạnh.
Một nguồn tin cho biết Thái tử bin Salman "bị đe dọa đến mức phải ra lệnh cho các trợ lý rời khỏi phòng để có thể tiếp tục thảo luận một cách riêng tư".
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman. Ảnh: Reuters
Reuters nhận định nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm bảo vệ ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ trước cuộc khủng hoảng giá, đồng thời đảo ngược quan điểm trong quá khứ của ông: chỉ trích việc cắt giảm nguồn cung dầu, dẫn đến giá xăng dầu cao hơn và tăng chi phí năng lượng cho người Mỹ. Hiện tại, ông yêu cầu OPEC cắt giảm sản lượng.
Khi được hỏi đã nói gì với Thái tử bin Salman, Tổng thống Trump trả lời trong một cuộc phỏng vấn ở Nhà Trắng tối 29-4: "Tôi đã nói chuyện với ông ấy qua điện thoại. Chúng tôi có thể đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng dầu".
Một quan chức Ả Rập Saudi bình luận: "Ả Rập Saudi, Mỹ và Nga đóng vai trò quan trọng trong thỏa thuận cắt giảm dầu của OPEC+ (bao gồm OPEC cộng với liên minh do Nga đứng đầu). Nhưng nếu không có sự hợp tác của 23 quốc gia tham gia thỏa thuận, điều đó sẽ không xảy ra".
Một tuần trước khi Tổng thống Trump điện đàm với Thái tử bin Salman, hai Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa (Mỹ) Kevin Cramer và Dan Sullivan đề xuất dự luật rút toàn bộ quân đội Mỹ, tên lửa Patriot và hệ thống phòng thủ tên lửa khỏi Ả Rập Saudi trừ khi vương quốc đồng ý cắt giảm sản lượng dầu.
Hôm 12-4, dưới áp lực của Tổng thống Trump, các quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới bên ngoài nước Mỹ đồng ý cắt giảm sản lượng dầu, động thái chưa từng xảy ra trong các cuộc đàm phán trước đó. OPEC, Nga và các nhà sản xuất đồng minh khác thông báo cắt giảm 9,7 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 10% sản lượng dầu toàn cầu. Tuy nhiên, giá dầu vẫn tiếp tục giảm xuống mức thấp trong lịch sử.
Mặc dù vậy, thỏa thuận cắt giảm nguồn cung dầu cuối cùng có thể đẩy giá cả tăng lên một khi các chính phủ tái mở cửa nền kinh tế thời kỳ hậu Covid-19 và nhu cầu về nhiên liệu tăng khi du lịch được thúc đẩy trở lại.
Bình luận (0)