Tổng thống Biden hôm 1-2 ra thông cáo: "Cộng đồng quốc tế nên cùng phối hợp gây sức ép, buộc quân đội Myanmar lập tức từ bỏ quyền lực họ nắm giữ và trả tự do cho các quan chức, nhà hoạt động bị bắt. Mỹ gỡ bỏ trừng phạt Myanmar trong 10 năm qua dựa vào tiến trình hướng tới dân chủ. Việc đảo ngược quá trình đó sẽ đòi hỏi chúng tôi xem xét lại quy định cấm vận và tiếp nối bằng hành động phù hợp".
Ông Biden lên án vụ quân đội Myanmar bắt cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và một số lãnh đạo cấp cao trong đảng cầm quyền, cho rằng đây là "cuộc tấn công trực tiếp vào tiến trình chuyển đổi sang nền dân chủ và thượng tôn pháp luật của Myanmar".
Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi quân đội Myanmar lập tức từ bỏ quyền lực. Ảnh: Reuters
Ông Biden cũng kêu gọi quân đội Myanmar dỡ bỏ hạn chế về thông tin liên lạc, tránh hành động bạo lực nhằm vào dân thường. Thông cáo của Tổng thống Biden có đoạn: "Chúng tôi sẽ phối hợp với các đồng minh khu vực và thế giới để khôi phục dân chủ, cũng như buộc những người cản trở tiến trình chuyển đổi ở Myanmar phải chịu trách nhiệm".
Theo Reuters, tình hình Myanmar là phép thử lớn đầu tiên với cam kết của Biden trong tăng cường hợp tác với đồng minh để đối mặt những thách thức quốc tế, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng gia tăng. Sự việc cũng đánh dấu lần hiếm hoi lưỡng đảng tại Mỹ có chung quan điểm chính sách, khi cả phe Dân chủ và Cộng hòa đều lên án hành động của quân đội Myanmar và kêu gọi trừng phạt.
Sự chuyển đổi sang dân chủ ở Myanmar, với kết quả là cuộc tổng tuyển cử năm 2015, ban đầu được coi là thành tựu lớn của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, trong đó ông Biden giữ chức phó tổng thống.
Chốt kiểm soát của quân đội cầm quyền trên đường tới trụ sở quốc hội ở thủ đô Naypyitaw - Myanmar. Ảnh: Reuters
Các nguồn tin ngoại giao ngày 1-2 cho biết Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc dự kiến thảo luận về vụ chính biến ở Myanmar trong cuộc họp ngày 2-2. Tuy nhiên, nội dung cụ thể về cuộc họp kín chưa được tiết lộ. Tại cuộc họp, bà Christine Schraner Burgener, nhà ngoại giao Thụy Sĩ và là đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc tại Myanmar, sẽ thông báo cho hội đồng về những diễn biến mới nhất.
Đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc Barbara Woodward hy vọng sẽ có một cuộc thảo luận mang tính xây dựng nhất có thể về Myanmar và xem xét một loạt các biện pháp. Anh sẽ giữ ghế Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an LHQ trong tháng 2 này.
Hôm qua, chính phủ Anh đã triệu tập đại sứ Myanmar tại London về cuộc đảo chính của quân đội nước này và việc bắt giữ lãnh đạo cấp cao trong đảng cầm quyền.
Bình luận (0)