Ông Biden nói với các phóng viên: "Tôi đề nghị rằng về cơ bản, chúng ta nên có một sáng kiến tương tự từ các quốc gia dân chủ giúp đỡ những cộng đồng trên toàn thế giới cần được giúp đỡ thực sự".
Thông tin trên được đưa ra một ngày sau khi ông Biden cho biết ông sẽ ngăn Trung Quốc "vượt mặt" Mỹ, đồng thời cam kết đầu tư mạnh mẽ để đảm bảo Mỹ giành ưu thế trong cuộc cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo hãng tin Reuters, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc là kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá hàng ngàn tỉ USD do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng vào năm 2013 liên quan đến các sáng kiến phát triển và đầu tư trải dài từ Đông Á sang Châu Âu.
Tổng thống Joe Biden. Ảnh: Reuters
Dự án giúp mở rộng đáng kể ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc.
Hơn 100 quốc gia đã ký thỏa thuận với Trung Quốc để hợp tác trong các dự án BRI như đường sắt, cảng, đường cao tốc và các cơ sở hạ tầng khác. Theo cơ sở dữ liệu của Refinitiv, tính đến giữa năm ngoái, hơn 2.600 dự án với chi phí 3,7 ngàn tỉ USD được liên kết với sáng kiến BRI.
Hồi năm ngoái, Trung Quốc cho biết khoảng 20% dự án BRI bị "ảnh hưởng nghiêm trọng" bởi đại dịch Covid-19.
Trong một diễn biến khác, Nhà Trắng hôm 26-3 cho biết ông Biden đã gửi thư mời khoảng 40 nhà lãnh đạo trên thế giới tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu vào tháng 4, trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu do Mỹ chủ trì sẽ diễn ra vào ngày 22-4, trùng Ngày Trái Đất và trước một hội nghị lớn khác của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu dự kiến diễn ra tại Glasgow, Scotland trong tháng 11.
Ông Joe Biden đã thực hiện cam kết đưa nước Mỹ tham gia trở lại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu ngay trong ngày đầu tiên tuyên thệ nhậm chức, đảo ngược quyết định rút khỏi thỏa thuận này trước đó của ông Trump.
Bình luận (0)