Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hôm 24-9 thông báo cơ quan này tiến hành cuộc điều tra luận tội chính thức nhằm vào Tổng thống Donald Trump, mở đường cho cuộc đối đầu hiến pháp căng thẳng trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng chỉ còn hơn 1 năm nữa là diễn ra. Cuộc điều tra tập trung vào nghi vấn ông Donald Trump lạm quyền và tìm kiếm sự trợ giúp của nước ngoài để làm suy yếu đối thủ tiềm tàng trong cuộc bầu cử năm 2020 - cựu Phó Tổng thống Joe Biden của Đảng Dân chủ.
Bà Pelosi lâu nay vẫn bác bỏ lời kêu gọi từ một số nghị sĩ Đảng Dân chủ về việc tiến hành tiến trình luận tội ông Donald Trump. Dù vậy, tình hình đã thay đổi sau khi Nhà Trắng từ chối chuyển cho quốc hội đơn khiếu nại của một quan chức tình báo liên quan đến cuộc trò chuyện giữa ông Donald Trump với một nhà lãnh đạo nước ngoài. "Tổng thống phải chịu trách nhiệm. Không ai được đứng trên luật pháp" - bà Pelosi khẳng định, đồng thời cho rằng những hành động của ông Donald Trump là vi hiến và có hại cho an ninh quốc gia.
"Tổng thống (Donald Trump) trong tuần này thừa nhận đã yêu cầu Tổng thống Ukraine thực hiện các hành động có lợi cho mình về mặt chính trị. Những hành động này đã hé lộ sự thật đáng hổ thẹn về việc tổng thống phản bội lời tuyên thệ nhậm chức, phản bội an ninh quốc gia và phản bội tính toàn vẹn của các cuộc bầu cử của chúng ta" - bà Pelosi nói rõ.
Tranh cãi nổ ra liên quan đến cuộc gọi điện đàm giữa ông Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 25-7. Ông chủ Nhà Trắng thừa nhận có đề cập đến ông Joe Biden, nhân vật sáng giá trong cuộc đua trở thành ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ, khi thảo luận với ông Zelensky về cuộc chiến chống "tham nhũng" ở Ukraine. Tuy nhiên, theo Reuters, nhà lãnh đạo này bác bỏ cáo buộc ông ra lệnh trì hoãn khoản viện trợ quân sự 400 triệu USD cho Ukraine khoảng 1 tuần trước khi cuộc điện đàm diễn ra nhằm gây sức ép lên Kiev trong việc mở cuộc điều tra nhằm vào ông Biden.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đối mặt cuộc điều tra luận tội của Hạ viện. Ảnh: REUTERS
Ông Donald Trump và các đồng minh trước đó cáo buộc ông Biden khi còn đương chức đã thúc đẩy việc sa thải một công tố viên Ukraine để mang lại lợi ích cho con trai mình. Dù vậy, không có bằng chứng nào cho thấy ông Biden làm gì sai.
Hồi tháng 8, một quan chức tình báo đã đệ đơn khiếu nại về hành vi của tổng thống lên Tổng Thanh tra Cộng đồng Tình báo Michael Atkinson, người xác định đơn này đáng tin cậy và là "mối lo ngại khẩn cấp" nên cần phải thông báo với quốc hội theo quy định của luật pháp liên bang. Tuy nhiên, sau khi tham vấn với Bộ Tư pháp và Nhà Trắng, quyền Giám đốc Tình báo quốc gia Joseph Maguire từ chối chia sẻ đơn khiếu nại với các ủy ban quốc hội.
Bất chấp phản ứng mạnh của ông Donald Trump về động thái mà ông gọi là "săn phù thủy" nói trên, Nhà Trắng đang chuẩn bị gửi quốc hội đơn khiếu nại và báo cáo của ông Atkinson. Theo trang Politico, động thái này cho thấy chính quyền ông Donald Trump không dám coi nhẹ tiến trình điều tra luận tội của Hạ viện.
Trước mắt, theo thống kê của trang Politico, động thái của bà Pelosi đã nhận được sự ủng hộ của phần lớn hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ (207/235 người đồng thuận) trong lúc chưa có hạ nghị sĩ nào của Đảng Cộng hòa đồng ý. Dù vậy, bước đi này cũng đe dọa phản tác dụng trong trường hợp cử tri tin rằng Đảng Dân chủ, hiện kiểm soát Hạ viện, đi quá xa.
Bài học năm 1998 vẫn còn đó khi Đảng Cộng hòa mất ghế trong các cuộc bầu cử sau khi theo đuổi việc luận tội nhằm vào tổng thống khi đó là ông Bill Clinton.
Ở chiều ngược lại, ông Donald Trump tự tin cho rằng cuộc điều tra của Đảng Dân chủ sẽ chỉ giúp ông tái đắc cử vào năm 2020. Nhà lãnh đạo này cho đến giờ đã "sống sót" qua không ít vụ bê bối và vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của thành viên Đảng Cộng hòa. Quan trọng hơn, không dễ xảy ra kịch bản 2/3 thượng nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ luận tội ông như quy định của hiến pháp, nhất là khi Đảng Cộng hòa đang nắm đa số ghế tại Thượng viện.
Đảng Cộng hòa sẽ bảo vệ ông Donald Trump?
Theo Hiến pháp Mỹ, một tổng thống có thể bị bãi nhiệm vì các tội phản quốc, nhận hối lộ hoặc các tội nghiêm trọng khác. Không có định nghĩa cụ thể cho các tội nghiêm trọng khác nhưng lịch sử cho thấy các tội này có thể gồm tham nhũng, cản trở công lý... Tuy nhiên, tổng thống Mỹ không nhất thiết phải vi phạm một đạo luật hình sự hiện hành thì mới bị luận tội. Theo Reuters, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng việc gây áp lực để buộc một nhà lãnh đạo nước ngoài can thiệp vào bầu cử Mỹ có thể đã bị những nhà lập quốc Mỹ xem là một sai phạm có thể bị luận tội.
Ông Doug Collins, lãnh đạo phe Cộng hòa trong Ủy ban Tư pháp Hạ viện, cho rằng một cuộc điều tra luận tội chính thức không thể được tiến hành cho tới khi toàn bộ Hạ viện bỏ phiếu thông qua. Tuy nhiên, Đảng Dân chủ, hiện chiếm đa số tại Hạ viện, nhấn mạnh điều này không cần thiết.
Ủy ban Tư pháp Hạ viện thường dẫn đầu cuộc điều tra luận tội, rồi soạn thảo và phê chuẩn dự thảo luận tội chống lại tổng thống. Dự thảo này sau đó được đưa ra bỏ phiếu tại Hạ viện. Nếu dự thảo được thông qua tại Hạ viện, Thượng viện sẽ tiến hành phiên tòa luận tội. Việc kết tội và bãi nhiệm tổng thống cần 2/3 thượng nghị sĩ ủng hộ. Dù vậy, đây là kịch bản không dễ xảy ra bởi Đảng Cộng hòa của ông Donald Trump đang chiếm đa số ghế tại Thượng viện.
Ngay cả khi kịch bản xấu nhất không xảy ra, ông Donald Trump vẫn đi vào lịch sử Mỹ như là tổng thống thứ tư đối mặt nguy cơ bị luận tội. Hiện vẫn chưa có nhà lãnh đạo Mỹ nào bị bãi nhiệm do kết quả của tiến trình luận tội. Theo đài CNBC, Tổng thống Richard Nixon đã từ chức năm 1974 trước khi Hạ viện bỏ phiếu về dự thảo luận tội ông. Hai tổng thống Andrew Johnson và Bill Clinton bị luận tội ở Hạ viện nhưng không bị kết tội ở Thượng viện vào các năm 1868 và 1998.
Xuân Mai
Bình luận (0)