Chiến lược nói trên còn nhắm vào người Hồi giáo dòng Shiite của Iran tại Iraq và Syria cũng như sự hỗ trợ của Tehran đối với các nhóm chiến binh đó.
Đề xuất này do Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, Ngoại trưởng Rex Tillerson, cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster và các quan chức hàng đầu khác của Mỹ soạn thảo, được trình bày cho Tổng thống Donald Trump tại cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia hôm 8-9.
Hai trong số 6 nguồn tin cho biết chiến lược mới có thể được thông qua và công khai trước cuối tháng 9-2017. Trái với chiến lược của cựu Tổng thống Barack Obama cũng như một số người tiền nhiệm của mình, Tổng thống Donald Trump dự định đặt mục tiêu rộng lớn cho các chính sách của Mỹ nhưng để các chỉ huy quân sự, các nhà ngoại giao và các quan chức khác thực hiện kế hoạch.
Nhà Trắng từ chối bình luận về thông tin của Reuters.
Tổng thống Donald Trump phát biểu tại lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố 11-9 ở bang Virginia. Ảnh: REUTERS
Theo một quan chức Washington (giấu tên), chiến lược mới của Tổng thống Donald Trump nhằm gia tăng áp lực lên Iran, mục đích hạn chế chương trình tên lửa đạn đạo và sự hỗ trợ của nước này đối với các nhóm chiến binh ở Iraq, Syria và Yemen.
Trong đó, Mỹ có thể sẽ can thiệp mạnh hơn đối với hoạt động vận chuyển vũ khí của Iran cho các phong trào như Houthi ở Yemen, các nhóm chiến binh của Palestine ở Dải Gaza cùng với các tổ chức ở bán đảo Sinai (Ai Cập). Ngoài ra, Washington có thể sẽ đưa ra những phản ứng mạnh mẽ hơn ở Bahrain – nơi chế độ quân chủ Hồi giáo dòng Sunni bị cho là đàn áp người Hồi giáo dòng Shiite.
Đề xuất cũng nhằm vào hoạt động gián điệp mạng, khả năng phổ biến vũ khí hạt nhân và một số hoạt động khác của Tehran, trong đó có sự "quấy rối" từ các tàu của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC).
Tuy nhiên, chiến lược mới không bao gồm việc leo thang các hoạt động quân sự của Mỹ ở Iraq và Syria. Bốn trong số 6 nguồn tin cho biết hai ông Mattis và McMaster, lần lượt là người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung ương và Bộ Tư lệnh Lực lượng đặc nhiệm Mỹ, đã phản đối đề xuất cho phép các chỉ huy Mỹ ở Iraq và Syria phản ứng mạnh mẽ hơn trước sự khiêu khích của IRGC.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump hiện vẫn tranh luận về các biện pháp hạn chế chương trình vũ khí hạt nhân của Iran dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Các biện pháp bao gồm xem xét lệnh trừng phạt kinh tế mạnh hơn nếu Iran vi phạm thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Bình luận (0)