Phớt lờ những lời kêu gọi từ chức vì vụ bê bối liên quan đến người bạn thân Choi Soon-sil, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hôm 2-11 bất ngờ bổ nhiệm thủ tướng, bộ trưởng tài chính và bộ trưởng an ninh mới.
Quyết tâm mạnh mẽ
Cụ thể, ông Kim Byong-joon, từng làm cố vấn cao cấp về chính sách của cựu Tổng thống Roh Moo-hyun, làm thủ tướng. Ngoài ra, ông Yim Jong-young, hiện là Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính, được chọn làm Bộ trưởng Tài chính. Ông Park Seung-joo, từng đứng đầu bộ về giới tính, trở thành Bộ trưởng Bộ An ninh.
“Công cuộc cải tổ nội các cho thấy ý chí và quyết tâm mạnh mẽ (của Tổng thống Park) nhằm đưa chính phủ trở lại hoạt động bình thường. Cuộc cải tổ sẽ giúp đất nước vượt qua vụ bê bối chính trị hiện nay. Chúng tôi mong đợi sự hợp tác của các đảng phái đối lập với tư cách là thành viên có trách nhiệm của đất nước” - nghị sĩ Kim Sung-won, phát ngôn viên Đảng Saenuri cầm quyền, nhấn mạnh.
Tờ Korea Times dẫn lời giới phân tích cho rằng động thái cải tổ nội các nói trên cho thấy bà Park quyết tâm giữ ghế bất chấp tỉ lệ ủng hộ hiện chỉ còn chưa đến 10%.
Riêng lựa chọn mang tên Kim Byong-joon được xem là hành động xoa dịu sự phẫn nộ đang dâng cao của công chúng, đồng thời biểu hiện sự ủng hộ đề nghị của phe đối lập về việc đưa các đối thủ chính trị vào nội các.
“Tân thủ tướng sẽ được trao cho quyền hạn rộng lớn” - một quan chức cấp cao của Phủ Tổng thống Hàn Quốc tiết lộ. Người này nói thêm nếu được quốc hội chấp thuận, ông Kim sẽ trở thành nhân vật số 1 trên thực tế trong chính quyền và bà Park chỉ còn là người đứng đầu nhà nước mang tính tượng trưng, tầm ảnh hưởng bị hạn chế đối với các vấn đề quốc gia cũng như ngoại giao và an ninh. Tuy nhiên, ông này lưu ý cần có “sự hợp tác và tôn trọng” của Tổng thống Park để thực hiện một hệ thống quyền lực tập trung vào thủ tướng.
“Mánh lới chính trị”
Phe đối lập gọi đợt cải tổ nội các là nỗ lực nhằm chuyển hướng sự chú ý ra khỏi bà Choi, tâm điểm của vụ bê bối chính trị hiện nay. Riêng thủ lĩnh Đảng Dân chủ, bà Choo Mi-ae, xem đây là “mánh lới chính trị” nhằm giúp bà Park vượt qua khủng hoảng và giữ được ghế.
Một lý do dẫn đến sự phản đối của phe đối lập là họ không được tham vấn trước. Một số nghị sĩ nói một nội các thật sự trung lập chỉ ra đời khi quốc hội đề xuất các ứng viên cho tổng thống còn bà Park không can thiệp vào các vấn đề quốc gia. Nhiều chính khách thậm chí đòi tiến hành điều tra đối với bà Park, đồng thời nhận xét cuộc cải tổ sẽ không xoa dịu được cơn giận của dân chúng.
Ngay cả một số nghị sĩ Đảng Saenuri cũng thấy khó hiểu với đợt cải tổ “sớm hơn dự kiến” của văn phòng tổng thống vì nó không được quốc hội “bật đèn xanh” trước. Các nhà bình luận chính trị cho biết sự bất mãn của phe đối lập có thể đe dọa đến cuộc cải tổ vì vị trí thủ tướng cần được đa số nghị sĩ ủng hộ.
Trong một diễn biến bất lợi khác, Thị trưởng Seoul Park Won-soon, thành viên Đảng Dân chủ và là ứng viên tiềm năng của cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới, hôm 2-11 có hành động hiếm thấy là lên tiếng hối thúc bà Park từ chức do “không còn được người dân tin tưởng”.
Ông cũng cho rằng những biện pháp đối phó của phủ tổng thống và đảng cầm quyền, như quyết định cải tổ nói trên, sẽ chỉ phản tác dụng và khiến người dân thêm phẫn nộ. Cùng ngày, các công tố viên đề nghị tòa án ra lệnh chính thức bắt bà Choi, người đang bị cáo buộc lợi dụng mối quan hệ với bà Park để trục lợi bất chính.
Bình luận (0)