Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đối mặt nguy cơ bị thẩm vấn trong tuần này giữa lúc người dân vẫn chưa nguôi giận về vụ bê bối chính trị liên quan đến bạn thân của bà.
Mở rộng điều tra
Theo Yonhap, một nhóm công tố viên đặc biệt đã gửi yêu cầu thẩm vấn trực tiếp Tổng thống Park đến Nhà Xanh để phục vụ cuộc điều tra về vai trò của nhà lãnh đạo này trong vụ bê bối tham nhũng liên quan đến bà Choi Soon-sil. “Cuộc thẩm vấn trực tiếp Tổng thống Park nên được thực hiện vào ngày 15 hoặc chậm nhất là ngày 16-11 tới. Chúng tôi đang chờ câu trả lời từ Nhà Xanh” - một công tố viên giấu tên cho biết.
Các công tố viên cho biết họ muốn khép lại cuộc điều tra nhằm vào bà Park trước ngày 20-11 khi hết thời hạn tạm giữ bà Choi. Trước đó, bà Choi chính thức bị bắt hôm 3-11 vì cáo buộc gian lận và lạm quyền. Cụ thể, bà Choi bị tố đã lợi dụng mối quan hệ thân tình với Tổng thống Park suốt 4 thập kỷ qua để ép các doanh nghiệp địa phương quyên góp cho 2 tổ chức phi lợi nhuận do bà lập ra. Bà Choi bị nghi đã trục lợi từ 2 tổ chức này.
Hiện Văn phòng Tổng thống chưa đưa ra bình luận gì về yêu cầu thẩm vấn trên. Nếu diễn ra, đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc, một tổng thống đương nhiệm bị công tố viên thẩm vấn.
Trong cuộc họp báo hôm 4-11, Tổng thống Park từng tuyên bố đồng ý để các công tố viên điều tra bà nếu cần thiết. Mặc dù Hiến pháp Hàn Quốc không cho phép một tổng thống đương nhiệm bị truy tố nhưng một số quan chức cấp cao cho rằng cuộc thẩm vấn, một phần của cuộc điều tra mở rộng, có thể được phép diễn ra.
Trong lúc chờ thẩm vấn bà Park, các công tố viên đã làm điều này với lãnh đạo các tập đoàn lớn bị nghi liên quan đến vụ bê bối vào cuối tuần rồi. Nguồn tin công tố viên cho biết một số lãnh đạo tập đoàn lớn - gồm Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung Electronics Lee Jae-yong, Chủ tịch Tập đoàn LG Koo Bon-moo, Chủ tịch Tập đoàn CJ Sohn Kyung-shik - đã bị thẩm vấn hôm 13-11.
Trước đó, Chủ tịch hãng Hyundai Motor Chung Mong-koo, Chủ tịch Tập đoàn Hanwha Kim Seung-youn và Chủ tịch Hội đồng SK SUPEX Kim Chang-geun cũng phải trả lời các câu hỏi của công tố viên từ chiều tối 12 đến sáng 13-11.
Sức ép gia tăng
Các cuộc thẩm vấn tập trung vào cuộc gặp riêng lẻ giữa từng doanh nhân nói trên với Tổng thống Park tại thủ đô Seoul hồi tháng 7 năm ngoái. Sau đó, các tập đoàn liên quan đã đóng góp nhiều cho 2 tổ chức của bà Choi.
Theo thống kê, các công ty do nhóm tập đoàn trên đứng đầu đã quyên góp tổng cộng 77,4 tỉ won (67,4 triệu USD) cho 2 tổ chức Mir và K-Sports của bà Choi. Trong số này, Tập đoàn Samsung đóng góp nhiều nhất (20,4 tỉ won). Các công tố viên đang tìm hiểu xem liệu bà Park có gây áp lực để lãnh đạo các tập đoàn đóng góp tiền cho 2 tổ chức trên hay không.
Diễn biến mới nhất về vụ bê bối có thể khiến sự nghiệp chính trị của bà Park đối mặt thêm sức ép từ các đối thủ chính trị và công chúng bất chấp nhà lãnh đạo này đã công khai xin lỗi 2 lần kể từ khi vụ bê bối bị phanh phui hồi tháng trước.
Chánh Văn phòng Tổng thống Han Gwang-ok cùng các thư ký cấp cao của bà Park hôm 13-11 đã nhóm họp để tìm biện pháp xoa dịu sự giận dữ của người dân, thể hiện qua cuộc biểu tình khổng lồ ở Seoul một ngày trước đó.
Các nhà tổ chức cho biết hơn 1 triệu người đã xuống đường đòi bà Park từ chức hôm 12-11 nhưng cảnh sát nói con số này chỉ vào khoảng 260.000 người. Một quan chức giấu tên nói bà Park đã theo dõi cuộc biểu tình này từ văn phòng ở Nhà Xanh nhưng không tiết lộ thêm chi tiết.
Trong khi đó, ông Jung Youn-kuk, phát ngôn viên tổng thống, cho hay bà Park đang cân nhắc mọi lựa chọn có thể để hoàn thành các nhiệm vụ, trách nhiệm của một tổng thống trong bối cảnh đất nước bị tê liệt vì tác động của vụ bê bối.
Các cuộc thăm dò mới cho thấy tỉ lệ ủng hộ bà Park đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, 5%. Nhiệm kỳ tổng thống của bà Park vẫn còn 15 tháng nữa mới kết thúc. Nếu bà từ chức sớm, cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày.
Bình luận (0)