Bà Hillary hôm 13-6 cho rằng Mỹ không nên thực hiện một cuộc can thiệp quân sự khác vào Iraq bất chấp những động thái gần dây của các phần tử Hồi giáo cực đoan. Trước đó, Nhà Trắng đã cân nhắc việc sử dụng không quân trong bối cảnh các chiến binh nhóm tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Cận Đông (ISIL) đã chiếm đóng nhiều thị trấn trọng yếu của Iraq, trong đó có cả thành phố Mosul. Tuy vậy, Tổng thống Obama đã bác bỏ khả năng đưa bộ binh đến Iraq.
Ông Obama phát biểu vê tình hình Iraq tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters
Quyết định của ông Obama nhận được sự đồng tình của bà Hillary. Cựu Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh rằng chính lực lượng quân đội của Iraq phải giữ vai trò đầu tàu trong việc chống các phần tử Hồi giáo cực đoan ISIL trước khi tìm đến sự giúp đỡ của Mỹ.
Bà phát biểu với đài BBC: “Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki phải chứng minh được ông là thủ lĩnh của người dân Iraq, chứ không phải của một thế lực tôn giáo nào của đất nước. Quân đội Iraq phải có tính kỷ luật và chuyên nghiệp và đó là điều mà chúng tôi đã và đang giúp họ có được” .
Bà Hillary cho rằng Mỹ không nên đưa quân trở lại Iraq trong thời điểm này. Ảnh: Reuters
Dù đã tuyên bố không đưa bộ binh đến Iraq nhưng ông Obama vẫn nói thêm với các phóng viên báo chí rằng ông đang tham khảo ý kiến của đội tư vấn an ninh quốc gia để xem xét những phương án khác nhằm hỗ trợ an ninh cho Iraq, trong đó có phương án sử dụng không quân.
Phiến quân Hồi giáo ISIL với mục tiêu thành lập một nhà nước theo luật Hồi giáo đến nay đã có một số thắng lợi trong cuộc chiến Syria, nơi tổ chức này chống lại chính quyền của Tổng thống Basharal Assad cùng nhiều tổ chức nổi dậy khác trong một cuộc nội chiến đẫm máu. Còn tại Iraq, ISIL đã chiếm đóng Mosul- thành phố lớn thứ hai Iraq. Ngoại trưởng Iraq Hoshyar Zebari nói với hãng CNN rằng quân đội Iraq “về cơ bản đã sụp đổ” quanh Mosul, khiến các chỉ huy phải bỏ chạy và thành phố rơi vào sự kiểm soát của phiến quân.
Phiến quân ISIL ăn mừng sau khi chiếm đóng thành phố Mosul. Ảnh: Reuters
Hiện các tay súng của tổ chức khủng bố này đang tiến về phía Nam áp sát thủ đô Baghdad và chỉ còn cách Baghdad gần 90 km về phía Bắc.
Tình hình bất ổn ở Iraq đang khiến Tổng thống Obama chịu nhiều áp lực từ các nhà lập pháp trong nước và các thành viên của đảng đối lập khi họ cho rằng ông phải chịu trách nhiệm về việc vội vã rút quân khỏi Iraq cách đây hơn 2 năm.
Bình luận (0)