Động thái mở rộng quy mô lực lượng 3.100 nhân viên quân sự Mỹ đang làm nhiệm vụ cố vấn tại Iraq và xây thêm một trung tâm hoạt động mới gần tỉnh Anbar cho thấy chiến lược đối với nhóm Nhà nước Hồi giáo của Tổng thống Obama đang được điều chỉnh.
Lầu Năm Góc cho biết đợt đầu tiên trong số 450 binh sĩ Mỹ sẽ được gửi tới một trong những khu vực nóng bỏng nhất của chiến dịch chống IS ở phía Đông tỉnh Anbar để tư vấn chiến thuật cho quân đội Iraq. Mỹ hiện huấn luyện binh lính Iraq tại căn cứ quân sự al-Asad ở Anbar.
Washington cũng thành lập một trung tâm đào tạo tại căn cứ quân sự Taqaddum, cách TP Ramadi (đang nằm trong tay IS) khoảng 25 km, với mục đích tiếp cận cộng đồng người Sunni – vốn không tin tưởng chính quyền Baghdad do các lãnh đạo người Shi'ite nắm quyền.
Giới chức Mỹ muốn tăng cường sự hiện diện của binh sĩ nước này trong hàng ngũ quân đội Iraq, qua đó giảm sự phụ thuộc vào lực lượng dân quân người Shiite hiện được Iran hậu thuẫn.
Theo Nhà Trắng, động thái kể trên của ông Obama nhằm đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng Iraq Haidar al-Abadi. Hai nhà lãnh đạo đã gặp gỡ bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) ở Đức hồi đầu tuần này.
Tổng thống Obama cũng ra lệnh đẩy nhanh kế hoạch cung cấp trang thiết bị quân sự cần thiết cho quân đội Iraq, bao gồm cho cả lực lượng bán quân sự người Kurd và chiến binh Sunnin đang chiến đấu cho chính phủ.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner cho rằng kế hoạch của Tổng thống Obama là một “bước đi đúng hướng” nhưng chưa đủ để đánh bại IS. Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain còn lo ngại kế hoạch kể trên sẽ không gắn kết được với chiến lược tổng thể chống IS mà Washington đã duy trì một thời gian dài.
Theo Reuters, với những điều chỉnh mới nhất, ông Obama đang đi chệch hướng trong chính sách chỉ tiến hành các cuộc không kích hỗ trợ lực lượng vũ trang Iraq, không đổ binh lính chiến đấu trực tiếp.
Số lượng binh sĩ Mỹ - dù làm công tác tư vấn, đào tạo – ngày càng tăng lên, cho thấy không loại trừ khả năng nhà lãnh đạo Mỹ sẽ cân nhắc phương án để quân đội tham chiến nếu mọi kế hoạch đều không có hiệu quả.
Ben Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama, cho biết ông chủ Nhà Trắng dù không quyết định đại tu chiến lược chống IS nhưng lại mở ra khả năng thực hiện các chiến lược bổ sung chưa được xác định.
Trong một diễn biến khác, Reuters dẫn các nguồn tin khu vực ngày 10-6 cho biết ít nhất 20 tay súng đã bị thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa IS với các lực lượng Hồi giáo thánh chiến khác ở phía Đông Libya.
Chiến sự bùng lên ở TP Derna sau khi một thủ lĩnh của tổ chức Hồi giáo cực đoan Majlis al-Shura bị giết hại vì đã từ chối tuyên thệ trung thành với lãnh đạo Abu Bakr al-Baghdadi của tổ chức IS. IS mới đây tuyên bố chiếm được hoàn toàn TP Sirte của Libya từ tay một nhóm Hồi giáo vũ trang khác/
Bình luận (0)