Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình TF1 hôm 9-10, Tổng thống Hollande đã lên án sự ủng hộ “không thể chấp nhận được” của ông Putin đối với các cuộc không kích tại Syria.
Khi được hỏi về chuyến thăm của Tổng thống Nga, ông Hollande nói rằng “có thể” gặp ông Putin. “Tôi vẫn đang tự hỏi bản thân về câu hỏi này. Chúng ta có thể làm bất cứ điều gì khiến Tổng thống Putin dừng lại những việc ông ấy đang làm với chính quyền Syria, ủng hộ các cuộc không kích tại TP Aleppo?” - ông Hollande cho biết.
Theo ông Hollande, người dân sống trong khu vực phía Đông Aleppo bị bắn phá dữ dội đang là nạn nhân của tội ác chiến tranh. Những kẻ gây ra hành động đó sẽ phải chịu trách nhiệm, bao gồm việc ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế.
Tổng thống Pháp Hollande (trái) và người đồng cấp Nga Putin. Ảnh: Reuters
Trong lúc này, một nguồn tin Damacus cho biết hai chính phủ Syria và Nga đang tìm cách chấm dứt sự hiện diện của phiến quân ở TP Aleppo vào cuối năm nay. Mục tiêu này đề ra do Syria và Nga lo ngại khả năng thay đổi chính sách của Washington đối với vấn đề Syria khi tân tổng thống Mỹ nhậm chức vào tháng 1-2017.
Chính sách đối ngoại của ứng viên Đảng Dân chủ Mỹ Hillary Clinton được cho là cứng rắn hơn so với Tổng thống Barack Obama, trong khi lập trường của ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump là khó đoán. Tướng Syria Sameer Suleiman cho biết: “Để giúp cho người dân và các tay súng dễ dàng rời khỏi Aleppo, quân đội đã thông báo sẽ giảm các vụ không kích, pháo kích và đề nghị mở hai hành lang nhân đạo 4 giờ/ngày”.
Quân đội cam kết sẽ không làm hại dân thường, ân xá cho các tay súng hạ vũ khí và cho phép những người muốn tiếp tục tham gia cuộc nổi dậy đến tỉnh Idlib gần đó, nơi bị nhóm phiến quân Jabhat Fateh al-Sham (trước đây gọi là Mặt trận al-Nusra) kiểm soát.
Văn phòng Điều phối Các Vấn đề Nhân đạo của LHQ (OCHA) cho hay 1/2 dân thường sinh sống ở miền Đông Aleppo muốn rời khỏi đó do tình trạng thiếu nước sạch, lương thực và an ninh. Tuy nhiên, các lực lượng phiến quân kiểm soát nơi này đang bị chia rẽ.
Jabhat Fateh al-Sham và phiến quân đồng minh Ahrar al-Sham kiên quyết ở lại cũng như phản đối người dân bỏ đi.
Bình luận (0)