Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đọc thông điệp liên bang hằng năm tại Điện Kremlin vào lúc 12 giờ ngày 3-12 (giờ địa phương), đưa ra những phương hướng cơ bản để phát triển đất nước. Hơn 500 nhà báo - trong đó có các nhà báo nước ngoài như Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, châu Âu, Mỹ - đã có mặt để theo dõi thông điệp liên bang thứ 22 trong lịch sử nước Nga hiện đại và là thông điệp thứ 12 của ông Putin.
Kiên quyết chống khủng bố
Mở đầu, Tổng thống Putin tuyên bố mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố đang gia tăng. Ông cho rằng thật khó có thể đương đầu với bọn khủng bố khi chúng thường xuyên nhận được sự hỗ trợ về tài chính.
“Mối nguy hiểm đặc biệt mà nước Nga đối mặt xuất phát từ Syria. Trong cuộc chiến chống khủng bố, Nga đã thể hiện tinh thần trách nhiệm vượt bậc và vai trò thủ lĩnh. Cần phải tạo ra một mặt trận chống khủng bố thống nhất, mạnh mẽ để đối phó với khủng bố quốc tế” - Tổng thống Putin tuyên bố, kèm theo so sánh cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng với cuộc chiến chống phát xít Đức.
Ông chủ Điện Kremlin không quên đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ vì vụ bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Nga. Ông Putin quả quyết các nhà lãnh đạo Ankara sẽ hối tiếc về hành động của mình. Tổng thống Nga còn khẳng định Moscow biết kẻ nào ở Thổ Nhĩ Kỳ hưởng lợi từ dầu mỏ bị cướp bóc và ai tuyển mộ lính đánh thuê.
Ông nhấn mạnh: “Chúng ta không cho phép bất kỳ kẻ nào tạo liên hệ với khủng bố để phục vụ cho mục đích riêng cũng như công việc làm ăn vấy máu”. Trước đó, hôm 2-12, Bộ Quốc phòng Nga đã tố cáo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cùng gia đình hưởng lợi từ hoạt động buôn lậu dầu mỏ của IS.
Dù Nga đã áp đặt các lệnh trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng Tổng thống Putin vẫn cảnh báo: “Chúng tôi không định trả đũa quân sự. Nhưng nếu ai đó nghĩ rằng gây tội ác chiến tranh kinh khủng như vậy, giết người dân chúng tôi như vậy mà chỉ bị cấm vận cà chua hay công trình xây dựng… thì thật sai lầm”.
Vài phút sau khi ông Putin kết thúc thông điệp, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho hay Moscow đã đình chỉ các cuộc đàm phán về dự án đường ống khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ với Ankara.
Tình hình kinh tế phức tạp
Về đời sống chính trị trong nước, Tổng thống Putin tuyên bố cuộc bầu cử Duma quốc gia năm 2016 phải trung thực và minh bạch, đồng thời cần đưa cuộc chiến chống tham nhũng vào vận động tranh cử.
Chuyển sang vấn đề kinh tế, Tổng thống Putin xác nhận tình hình ở Nga hiện nay phức tạp nhưng không nghiêm trọng và đã xuất hiện những xu hướng tích cực. Ngoài ra, ông nhìn nhận tình trạng giá dầu thấp và lệnh trừng phạt từ phương Tây có thể còn kéo dài.
“Điều đó không có nghĩa là phải an phận và chờ đợi phép màu... Chỉ có thay đổi cấu trúc nền kinh tế mới có thể giải quyết các vấn đề lớn của kinh tế và xã hội” - tổng thống Nga khẳng định.
Theo ông Putin, các ngành xây dựng, chế tạo máy, công nghiệp ô tô, công nghiệp nhẹ đã rơi vào khu vực nguy hiểm và cần những biện pháp hỗ trợ đặc biệt. Ông nhấn mạnh cân đối ngân sách là điều kiện quan trọng để nước Nga ổn định về tài chính, từ đó bảo đảm sự độc lập của đất nước.
Trong hành động được coi là chia sẻ với người dân Nga giữa lúc khó khăn, Tổng thống Putin ngày 2-12 đã ký sắc lệnh cắt giảm 10% lương trong năm 2016 của ông và một số quan chức cấp cao, bao gồm Thủ tướng Dmitry Medvedev, Tổng công tố Yuri Chaika, lãnh đạo Ủy ban Điều tra liên bang Alexander Bastrykin. Quyết định giảm lương này đã được thực hiện từ năm ngoái.
Sau khoảng 1 giờ, Tổng thống Putin kết thúc thông điệp năm 2015 bằng việc trích dẫn lời nhà hóa học Dmitry Mendeleev: “Nếu chia rẽ, chúng ta sẽ bị tiêu diệt ngay lập tức. Sức mạnh của chúng ta nằm ở lòng dũng cảm, sự thống nhất, thịnh vượng, gia tăng dân số cũng như ở sự giàu có về tinh thần và lòng yêu hòa bình”.
Nhà tư tưởng hàng đầu
Tổng thống Putin vừa được tạp chí Foreign Policy (Mỹ) đưa vào danh sách 100 nhà tư tưởng hàng đầu toàn cầu năm 2015. Tên nhà lãnh đạo Nga đứng đầu ở hạng mục “Những người đưa ra quyết sách” vì đã đặt nước Nga vào vị thế mang tính quyết định đối với bất cứ thỏa thuận hòa bình nào và “có nhiều điểm bất đồng với Mỹ”.
Theo trang Sputnik, có tên trong cùng hạng mục với Tổng thống Putin còn có Thủ tướng Đức Angela Merkel, Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom và cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis.
Theo một khảo sát do Trung tâm Levada thực hiện cuối tháng 11, 2/3 người Nga được hỏi mong muốn ông Putin tái đắc cử tổng thống vào năm 2018 hoặc ứng viên được ông đề xuất giữ vị trí này. Chỉ 18% người tham gia khảo sát cho rằng Nga nên chọn lãnh đạo có cách tiếp cận khác.
Bình luận (0)