Thay ông Putin tới Manila, thủ đô của Philippines là Thủ tướng Dmitry Medvedev. Theo Điện Kremlin, quyết định này được đưa ra vì ông Medvedev có một loạt cuộc gặp đã được lên kế hoạch trong khu vực. Dù tổng thống Nga vắng mặt nhưng một số cuộc gặp bên lề đã được lên kế hoạch vẫn được tiến hành bằng cách điện đàm.
Người phát ngôn tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, cũng bác bỏ ý kiến rằng việc Thủ tướng Medvedev đi thay ông Putin là vì có quan hệ tốt hơn với Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Hội nghị thượng đỉnh APEC sẽ diễn ra từ ngày 17 đến 19-11. Lãnh đạo 21 nước thành viên APEC, trong đó có Tổng thống Obama, Tổng thống Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đều đã xác nhận tham dự. Tuy nhiên, ông Putin đã đổi ý.
Cùng ngày 12-11, Bộ Ngoại giao Indonesia cho hay Tổng thống Joko Widodo cũng không dự APEC vì các vấn đề trong nước nhưng không nêu rõ chi tiết. Dẫn đầu đoàn Indonesia sẽ là Phó Tổng thống Jusuf Kalla. Hồi cuối tháng 10, ông Widodo đã phải rút ngắn chuyến công du Mỹ vì vấn đề cháy rừng ở Indonesia.
Tuy đã xác định không bàn đến trong chương trình chính thức song biển Đông dự kiến vẫn làm nóng các cuộc họp bên lề hội nghị APEC. Dự kiến Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Philippines Benigno Aquino sẽ thảo luận về vấn đề này song song với Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) giữa 2 nước.
Liên quan đến việc tuần tra biển Đông của lực lượng phòng vệ Nhật Bản, Hoàn cầu Thời báo dẫn thông tin của hãng Kyodo ngày 11-11 cho biết Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang lưu ý lựa chọn một vài địa điểm và muốn kiểm tra cẩn thận trước khi quyết định.
Theo ông Abe, việc Tokyo xem xét một cách cụ thể và cẩn thận là vì tình hình biển Đông ảnh hưởng trực tiếp tới Nhật Bản. Ngoài ra, Thủ tướng Abe nói thêm rằng trong tương lai, Nhật Bản sẽ đẩy mạnh hoạt động diễn tập quân sự hoặc tập trận chung song phương và đa phương, như huấn luyện chung với Hải quân Mỹ.
Trong một diễn biến khác, chính quyền Bắc Kinh vẫn chưa phản hồi sau khi Indonesia yêu cầu giải thích rõ ràng những đòi hỏi chủ quyền vô lý của nước này trên biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia, ông Armanatha Nasir, ngày 12-11 nhấn mạnh: “Quan điểm của Indonesia rất rõ ràng. Chúng tôi không công nhận đường lưỡi bò của Trung Quốc bởi nó không phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Trước đó, hôm 11-11, Bộ trưởng An ninh Indonesia, ông Luhut Panjaitan tuyên bố nước này có khả năng kiện Trung Quốc lên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) nếu tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với hầu hết biển Đông và một phần lãnh thổ của Indonesia không được giải quyết thông qua đối thoại.
Hồi năm ngoái, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Indonesia cũng tố cáo Trung Quốc đưa nhiều khu vực ở quần đảo Natuna của Indonesia vào tấm bản đồ "đường chín đoạn".
Bình luận (0)