Trong cuộc gọi trực tuyến với các chuyên gia chính sách đối ngoại quốc tế vào ngày 22-10, khi được hỏi về liên minh quân sự Nga - Trung, Tổng thống Putin khẳng định "chúng ta hiện không cần. Tuy nhiên, về mặt lý thuyết, điều này có thể xảy ra".
Nga và Trung Quốc đã ca ngợi mối quan hệ "đối tác chiến lược" của họ nhưng đến giờ vẫn chưa thảo luận khả năng thành lập liên minh quân sự.
Tổng thống Putin cũng cho biết Nga sở hữu nhiều công nghệ quân sự hiện đại có thể giúp Trung Quốc nâng cao tiềm năng quân sự. Tuy nhiên, ông Putin không tiết lộ công nghệ cụ thể, bởi đây là thông tin nhạy cảm.
"Chắc chắn, hợp tác Nga - Trung sẽ giúp cải thiện năng lực quốc phòng của quân đội Trung Quốc" – ông chủ Điện Kremlin khẳng định, đồng thời cho biết trong tương lai, quan hệ quân sự Moscow-Bắc Kinh có thể được thắt chặt hơn.
Cũng trong ngày 22-10, Tổng thống Putin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gia hạn New START khi hiệp ước này hết hạn vào tháng 2-2021. Đây là hiệp ước kiểm soát vũ khí cuối cùng của Nga và Mỹ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định hiện chưa cần liên minh quân sự Nga-Trung. Ảnh: AP
Vào đầu tuần này, Mỹ và Nga phát tín hiệu cho thấy họ sẵn sàng chấp nhận thỏa hiệp để cứu vãn New START. Tổng thống Donald Trump đang đối mặt với thách thức lớn đến từ ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng 2020. Chiến dịch tranh cử của ông Biden khẳng định Tổng thống Trump "mềm mỏng" với Moscow.
New START được ký vào năm 2010 bởi Tổng thống Mỹ vào thời điểm đó là ông Barack Obama và Tổng thống Nga vào thời điểm đó là ông Dmitry Medvedev. Hiệp ước này quy định mỗi nước không được sở hữu quá 1.550 đầu đạn hạt nhân triển khai và 700 máy bay ném bom và tên lửa triển khai.
Nga đã đề nghị gia hạn New START vô điều kiện trong khi chính quyền Tổng thống Trump ban đầu khẳng định điều này chỉ xảy ra nếu Trung Quốc đồng ý gia nhập hiệp ước.
Mới đây, Washington đã thay đổi lập trường của họ và đề nghị gia hạn New START một năm, với điều kiện mở rộng giới hạn về đầu đạn hạt nhân. Điện Kremlin ban đầu từ chối yêu cầu của Washington nhưng đã thay đổi lập trường vào tuần này, khi Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Moscow có thể chấp nhận việc đóng băng đầu đạn hạt nhân nếu Mỹ cam kết không bổ sung điều kiện.
Tổng thống Putin không đề cập vấn đề đóng băng đầu đạn hạt nhân nhưng ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cứu New START để tránh một cuộc đua vũ trang toàn cầu.
Tổng thống Putin khẳng định New START cần được cứu để tránh một cuộc đua vũ trang toàn cầu. Ảnh: Reuters
Bình luận (0)