Trước khi đặt bút ký sắc lệnh tại Phòng Bầu dục, ông Trump cho biết: “Điều tuyệt vời nhất dành cho người Mỹ là những gì chúng tôi đã làm”. Theo đài BBC, việc ông Trump ký sắc lệnh chỉ mang tính biểu tượng vì Quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua thỏa thuận này.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump chỉ trích TPP là “thảm họa tiềm tàng đối với Mỹ” bởi nó làm “tổn hại lĩnh vực sản xuất trong nước”.
Thỏa thuận thương mại gồm 12 quốc gia nói trên là một phần cốt lõi trong chiến dịch xoay trục sang châu Á của cựu Tổng thống Barack Obama. Chính quyền Obama vất vả nhiều năm để hoàn tất thoả thuận nhưng ngay đảng Dân chủ của ông Obama lại hoài nghi nó và TPP cũng chưa bao giờ được gửi tới Quốc hội chờ phê duyệt.
Song song với động thái ký sắc lệnh rút khỏi TPP, ông Trump cũng ký một bản ghi nhớ, nội dung cắt giảm kinh phí dành cho các nhóm quốc tế phụ trách vấn đề phá thai, đồng thời ngừng tuyển dụng thêm nhân viên liên bang thuộc nhóm phi quân sự.
Bản ghi nhớ mang tên “Chính sách Mexico City” do chính quyền Cộng hòa công bố từ năm 1984 nhưng sau đó bị chính quyền Dân chủ hủy bỏ. Vòng xoay này lặp lại cho đến thời của ông Trump.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer cho biết chính quyền Trump sẽ khá bận rộn trong vài tuần tới, bao gồm kế hoạch bổ nhiệm thành viên Tòa án Tối cao. Hôm 23-1, ông Trump cũng có buổi gặp mặt các nhà lãnh đạo nghiệp đoàn.
Tại buổi họp báo đầu tiên ở Nhà Trắng, ông tuyên bố sẽ tìm cách ngăn chặn Trung Quốc chiếm các quần đảo ở biển Đông. Còn trong cuộc họp với một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp, Trump cảnh báo ông sẽ áp thuế nặng đối với các công ty chuyển nhà máy ra nước ngoài, bên cạnh việc hứa ưu đãi thuế cho các công ty sản xuất trong nước.
Vị tân Tổng thống Mỹ còn nhắc lại cam kết giảm thuế cho các công ty và tầng lớp trung lưu từ 15%-25%.
Những ngày tới, ông Trump dự kiến gặp một loạt các nhà lãnh đạo thế giới, gồm Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto…
Bình luận (0)