Theo cảnh sát, ông Akonjee và phụ tá bị tay súng tiếp cận từ phía sau, bắn vào đầu khi vừa rời đền thờ al-Furqan Jame tại khu Queens, TP New York. Các nhà chức trách loại trừ khả năng giết người cướp của vì 1.000 USD của ông Akonjee còn nguyên. Một số nguồn tin cho hay nghi phạm đã bị bắt giữ đêm 14-8 (giờ địa phương) song cảnh sát chưa xác nhận.
Phía cảnh sát cũng nhấn mạnh chưa có bằng chứng rằng ông Akonjee bị tấn công vì đức tin. Trong khi đó, báo The New York Daily cho rằng động cơ có thể là mối thù hằn giữa 2 cộng đồng người Hồi giáo và người gốc Latin tại địa phương. Vài tuần trước, một nhóm người Hồi giáo bị cáo buộc tấn công một số người gốc Latin và vụ nổ súng có thể là hành động đáp trả. Theo ông Ibrahim Hooper, Giám đốc truyền thông của Hội đồng về quan hệ Mỹ - Hồi giáo (CAIR), đây được xem là vụ tấn công bạo lực nhất nhằm vào một lãnh đạo Hồi giáo ở Mỹ trong những năm gần đây. Ngoài ra, báo cáo CAIR và Trường ĐH California chỉ ra số vụ tấn công đền thờ Hồi giáo ở Mỹ trong năm 2015 (78 vụ) ở mức cao nhất kể từ khi bắt đầu được ghi nhận vào năm 2009.
Ở miền Nam nước Pháp, căng thẳng cũng gia tăng giữa các cộng đồng địa phương và người Hồi giáo gốc Bắc Phi, nhất là sau vụ thảm sát 85 người ở TP Nice hôm 14-7. Đơn cử là vụ ẩu đả giữa 3 gia đình gốc Bắc Phi và các thanh niên địa phương ở một bãi biển gần làng Sisco trên đảo Corsica hôm 13-8 khiến 5 người bị thương. Ông Ange Vivoni, người đứng đầu chính quyền làng Sisco, cho biết sau khi một thiếu niên địa phương bị đâm, “gia đình của người này cùng tất cả người dân ở Sisco hợp sức lại”. Dân làng trả đũa bằng cách đốt xe của nhóm người Hồi giáo nói trên.
Lãnh đạo Hồi giáo Maulama Akonjee và hiện trường vụ tấn công. Ảnh: REUTERS
Vụ “bạo lực nghiêm trọng”, như mô tả của những người chứng kiến, tiếp diễn bằng cuộc biểu tình trong ngày 14-8 tại khu nhà được cho là nơi những người Hồi giáo tham gia ẩu đả sinh sống. Đài BBC cho hay cảnh sát chống bạo động phải dùng hơi cay khi những người quá khích ném đá.
Theo truyền thông Pháp, ẩu đả bùng lên khi các thanh niên chụp ảnh phụ nữ đang tắm biển trong trang phục burkini (đồ bơi của người Hồi giáo). TP Cannes của Pháp vừa ra lệnh cấm burkini đầu tuần trước. Lệnh cấm gây tranh cãi này cũng là cảm hứng để tạp chí trào phúng Charlie Hebdo (Pháp) hôm 11-8 tung ra bức tranh biếm vẽ một người đàn ông râu quai nón và một phụ nữ có khăn trùm đầu khỏa thân chạy trên bãi biển. Bức biếm họa bị cáo buộc là chế giễu người Hồi giáo và tờ báo Pháp nhận rất nhiều lời đe dọa tấn công thông qua tài khoản Facebook. Đầu năm 2015, Charlie Hebdo là nạn nhân của một vụ thảm sát đẫm máu.
Làn sóng bài Hồi giáo cũng lan tới Úc khi một nhóm khoảng 10 người gây rối bên ngoài nhà thờ Gosford trên bờ biển phía Đông nước này cuối tuần trước. Những người thuộc Tổ chức Đảng cho tự do (Party For Freedom) kể trên đi vào nhà thờ, dùng loa phát thanh mỉa mai về vấn đề đa dạng văn hóa. Trang redflag.org.au nhận định sự việc trên không chỉ là hiện tượng ở Úc và cảnh báo tâm lý bài Hồi giáo đang gây chia rẻ, tạo nguy hiểm cho công dân phương Tây.
Bình luận (0)