Hội nghị Bộ trưởng 12 nền kinh tế tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) diễn ra tại đảo Maui thuộc bang Hawaii - Mỹ từ ngày 28 đến 31-7 (giờ địa phương).
Một ngày trước khi hội nghị này diễn ra, cuộc gặp giữa trưởng phái đoàn đàm phán 12 nước tham gia TPP (Nhật Bản, Brunei, Malaysia, Việt Nam, Singapore, Úc, New Zealand, Canada, Mexico, Chile, Peru, Mỹ - chiếm 40% tổng GDP toàn cầu) đã khép lại ở Maui.
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Akira Amari nhận định các cuộc thảo luận này đã đạt được tiến triển đáng kể, đồng thời bày tỏ hy vọng đây sẽ là vòng đàm phán cuối cùng kể từ khi quá trình này bắt đầu vào tháng 3-2010.
Theo báo New Zealand Herald, TPP bao gồm những nội dung về quyền tài sản trí tuệ, quy định đầu tư nước ngoài, tiêu chuẩn lao động và môi trường, chính sách thu mua, doanh nghiệp nhà nước và sự cạnh tranh, thủ tục giải quyết tranh chấp. Dù vậy, đã xuất hiện cảnh báo rằng vẫn còn những trở ngại cần vượt qua.
Chẳng hạn như Mỹ và Nhật Bản, 2 nền kinh tế lớn nhất tham gia đàm phán, đang kêu gọi những biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mạnh mẽ hơn. Riêng Washington muốn các nước tham gia TPP đồng ý bảo vệ dữ liệu dùng để phát triển thuốc sinh học mới trong 12 năm. Điều này có thể mang lại lợi ích cho các tập đoàn dược phẩm nhưng có nguy cơ làm tăng chi phí của các chương trình y tế đang được chính phủ trợ cấp ở Úc và New Zealand.
Một thách thức lớn không kém là vấn đề mở cửa những thị trường đang được bảo hộ. Đáng chú ý là Mexico và Canada đối mặt sức ép từ một số nước như Úc, New Zealand… về việc mở cửa thị trường sữa. Trong khi đó, Úc muốn tiếp cận nhiều hơn thị trường đường của Mỹ, còn Nhật muốn bảo vệ nông dân trước những nông sản nhập khẩu giá rẻ hơn.
Dự kiến một loạt cuộc gặp song phương và đa phương sẽ diễn ra trong khuôn khổ hội nghị kéo dài 4 ngày nói trên. Theo ông Amari, mục tiêu cuối cùng là đạt được một kết quả có lợi cho tất cả 12 nước tham gia TPP. Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo cũng bày tỏ tin tưởng các bên sẽ đạt được thỏa thuận tại hội nghị này. Có thể hiểu được quyết tâm của các nước bởi nếu để kéo dài sang năm tới, đàm phán có thể bị chi phối bởi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Trong nỗ lực thúc đẩy một thỏa thuận “toàn diện và nhiều tham vọng”, phòng thương mại của một số nước tham gia đàm phán đã ra tuyên bố chung nhận định TPP có tiềm năng mang lại nhiều cơ hội mới cho người lao động, nông dân cũng như mọi doanh nghiệp và lĩnh vực. Trong khi đó, Hiệp hội Các nhà sản xuất quốc gia Mỹ cho rằng thỏa thuận nên ưu tiên chú ý đến những vấn đề như điều khoản giải quyết tranh chấp, dòng chảy dữ liệu tự do qua các biên giới và một sân chơi công bằng với các doanh nghiệp nhà nước.
Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, giới phân tích nhận định TPP sẽ giúp ích cho chiến lược xoay trục sang châu Á mà Tổng thống Mỹ Barack Obama đang theo đuổi nhằm làm đối trọng với Trung Quốc. Báo Yomiuri (Nhật Bản) dẫn lời giáo sư Satoshi Oyane, thuộc Trường ĐH Doshisha, cho rằng TPP còn giúp cải thiện an ninh của các nước tham gia thông qua những phương thức phi quân sự.
Đây cũng là điều được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề cập trong bài phát biểu trước quốc hội Mỹ hồi tháng 4 qua: “TPP không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mà cả lợi ích an ninh. Về lâu dài, giá trị chiến lược của nó là rất lớn”.
Bình luận (0)