Ba vụ nổ làm rung chuyển thủ đô Brussels - Bỉ hôm 22-3, gieo rắc thêm nỗi hoang mang tại đất nước vẫn còn trong tình trạng báo động an ninh cao kể từ sau vụ khủng bố liên hoàn ở thủ đô Paris - Pháp khiến 130 người thiệt mạng hơn 4 tháng trước.
Máu và nước trộn lẫn
Hai vụ nổ đầu tiên xảy ra tại sân bay Zaventem lúc 8 giờ (giờ địa phương). Khoảng 1 giờ sau, một vụ nổ xảy ra tại nhà ga tàu điện ngầm Maelbeek, chỉ cách các tòa nhà Liên minh châu Âu (EU) khoảng 500 m. Nhà chức trách chưa công bố con số thương vong chính thức nhưng truyền thông địa phương cho biết ít nhất 34 người thiệt mạng (14 ở sân bay Zaventem, 20 tại nhà ga Maelbeek) và 151 người bị thương.
Hiện trường vụ nổ bom ở sân bay Zaventem (ảnh trên) và người bị thương được cấp cứu trong vụ nổ bom tại nhà ga tàu điện ngầm Maelbeek Ảnh: DAILY MAIL, AP
Công tố viên liên bang Fredere Van Leeuw xác nhận vụ nổ đầu tiên ở sân bay Zaventem do một kẻ đánh bom tự sát gây ra nhưng không nói gì về vụ nổ thứ hai. “Vẫn còn quá sớm để nói về những kẻ tấn công” - ông Van Leeuw nói tại một cuộc họp báo. Trong khi đó, hãng tin Belga cho biết trước khi xảy ra nổ, người ta nghe thấy những tiếng la hét bằng tiếng Ả Rập và tiếng súng ở gần khu vực làm thủ tục của hãng hàng không American Airlines (Mỹ).
Các nhân chứng mô tả hiện trường đẫm máu không khác gì chiến trường. Anh Zach Mouzoun, người có mặt tại sân bay khoảng 10 phút trước vụ nổ, cho biết vụ nổ thứ hai lớn hơn, làm sập trần và khiến đường ống nước bị vỡ, gây ra cảnh tượng máu của nạn nhân và nước trộn lẫn.
“Máu ở khắp nơi, người bị thương, hành lý văng tung tóe. Chúng tôi đi qua các mảnh vỡ. Cảnh tượng không khác gì thời chiến” - nhân chứng này nói với đài BFM (Pháp). Những hình ảnh, đoạn video đăng tải trên mạng xã hội cho thấy khói bốc lên từ sân bay, cửa sổ kính khu sảnh chờ bị vỡ nát trong lúc nhiều hành khách bỏ chạy tán loạn.
Hỗn loạn cũng bao trùm nhà ga Maelbeek. “Tàu đang rời ga thì có một vụ nổ lớn. Ai cũng hoảng sợ. Có rất nhiều người trên tàu” - một nhân chứng tên Alexandre Brans nói với hãng tin AP. Truyền hình địa phương chiếu cảnh khói đen bốc ra từ lối vào nhà ga.
Trong khi đó, phóng viên tự do Evan Lamos đăng trên mạng xã hội Twitter hình ảnh hành khách buộc phải rời tàu bên trong đường hầm để sơ tán do khói. Những hình ảnh khác cho thấy người bị thương được điều trị ngay tại đường phố.
IS nhận trách nhiệm
Truyền thông Ai Cập đưa tin tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận trách nhiệm vụ tấn công trong một tuyên bố được hãng tin Amaq, có liên hệ với IS, đăng tải. Việc Bỉ tham gia liên quân chống IS ở Iraq khiến nước này trở thành mục tiêu trả thù tiềm tàng. Đáng chú ý là Mỹ vào đầu tháng này đã đề nghị Brussels mở rộng hoạt động tham chiến chống IS sang Syria.
Ngoài ra, theo tờ Independent (Anh), Brussels đã trở thành một trong những trung tâm của chủ nghĩa thánh chiến ở châu Âu. Vụ tấn công Paris được lên kế hoạch và tiến hành từ thành phố này trong khi kẻ bị tình nghi là chủ mưu - Abdehamid Abaaoud - sinh tại Bỉ. Một vụ tấn công vào Brussels, được xem là “trái tim” của châu Âu, nếu thành công sẽ càng gây “tiếng vang”.
Một ngày trước vụ tấn công, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Bỉ Jan Jambon cho biết lực lượng an ninh nước này đang trong tình trạng báo động cao do lo ngại xảy ra trả đũa sau khi Salah Abdeslam, một nghi phạm vụ khủng bố Paris, bị bắt vào tuần rồi.
Tờ Telegraph (Anh) cho rằng cuộc điều tra có thể tập trung vào Najim Laachraoui và Mohamed Abrini - 2 nghi can bị cảnh sát Bỉ xem là đồng phạm trong vụ tấn công ở Paris. Hai tên này vẫn còn chạy trốn sau vụ bố ráp bắt giữ Abdeslam. Một giả thuyết là bọn chúng có thể gây ra các vụ tấn công ngày 22-3 vì sợ bị cảnh sát lần ra dựa trên kết quả thẩm vấn Abdeslam.
Nhà chức trách Bỉ đã nâng báo động lên mức cao nhất sau những vụ tấn công “mù quáng, bạo lực và hèn hạ” nói trên, theo Thủ tướng Charles Michael. Trước mắt, mọi chuyến bay ra vào sân bay Zaventem đều bị hủy cho đến ít nhất 6 giờ ngày 23-3 (giờ địa phương) trong lúc toàn bộ hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô đóng cửa. Hãng Eurostar thông báo ngưng mọi chuyến tàu đến và rời khỏi Brussels, còn dịch vụ tàu Thalys - đi lại giữa Pháp, Bỉ và Hà Lan - cũng tạm dừng.
Cộng đồng quốc tế đồng lòng lên án mạnh mẽ vụ tấn công, cam kết hỗ trợ Bỉ khắc phục hậu quả và thể hiện tình đoàn kết trong cuộc chiến chống khủng bố. Riêng các nước châu Âu, nhất là Pháp, giờ đây càng thêm bất an trước mối đe dọa IS, tổ chức cũng nhận trách nhiệm vụ khủng bố Paris hôm 13-11-2015.
Tờ Libération đưa tin biên giới giữa Pháp và Bỉ đã đóng cửa đối với mọi phương tiện giao thông, kể cả đường bộ. Ngoài ra, nhà chức trách Pháp triển khai thêm 1.600 cảnh sát tại các nhà ga, sân bay và biên giới. Riêng ở Paris, con số này là 400, theo Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve. Anh, Hà Lan, Đức… cũng nhanh chóng thắt chặt an ninh.
Vẫn còn quá sớm để nói về thiệt hại kinh tế của vụ tấn công nhưng trước mắt, giá các cổ phiếu ở châu Âu đồng loạt sụt giảm. Ngược lại, giá vàng và trái phiếu chính phủ lại tăng.
Việt Nam gửi điện chia buồn
Sau khi nhận được tin về vụ khủng bố tại Brussels, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi điện chia buồn và thăm hỏi tới nhà vua Philippe I; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng gửi điện chia buồn và thăm hỏi tới Thủ tướng Charles Michel; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gửi điện chia buồn và thăm hỏi tới Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bỉ Didier Reynders.
Việt Nam lên án mạnh mẽ các vụ khủng bố tại Bỉ, đồng thời chia sẻ mất mát với chính phủ Bỉ, người dân và gia đình các nạn nhân. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng cho biết chưa nhận được thông tin có nạn nhân là người Việt Nam.
Nghi phạm đắt giá
Salah Abdeslam, kẻ duy nhất còn sống sau khi tham gia vụ tấn công Paris - Pháp, sẽ ra tòa ở Brussels ngày 24-3. Các nhà điều tra cho rằng nghi phạm 26 tuổi này có khả năng nắm giữ thông tin về những kẻ tham gia khủng bố, mạng lưới hỗ trợ, tài chính và liên kết với IS.
Luật sư Sven Mary nhìn nhận thân chủ của mình có “giá trị quý như vàng” đối với các nhà điều tra. “Anh ta đang hợp tác thay vì thực thi quyền im lặng” - ông Mary khẳng định.
Đến nay, đã có 20 nghi phạm bị bắt ở 6 nước vì tình nghi giúp đỡ những kẻ gây ra vụ tấn công Paris.
Theo công tố viên Bỉ, Monir Ahmed Alaa, kẻ bị bắt giữ cùng thời điểm với Abdeslam, cũng bị cáo buộc tham gia khủng bố. Song song đó, cảnh sát Bỉ tiếp tục săn lùng 2 tên: Najim Laachraoui, một đồng tham gia vụ tấn công Paris, sau khi tìm thấy ADN của tên này trên các đai bom tại hiện trường; Mohamed Abrini, nghi phạm người Bỉ gốc Morocco 30 tuổi đi cùng Abdeslam trước vụ khủng bố Paris.
Ngoài ra, một hồ sơ mật của cảnh sát hé lộ có khả năng 90 kẻ liều chết khác đã sẵn sàng đánh bom tự sát ở châu Âu sau khi cải trang làm người di cư từ Syria.
Xuân Mai
Bình luận (0)