Theo dữ liệu từ Văn phòng Thống kê liên bang Đức (Destatis) ngày 25-5, mức tăng trưởng GDP đã được điều chỉnh giảm từ 0 xuống -0,3% trong 3 tháng đầu năm 2023.
Trước đó, GDP quý IV/2022 của Đức cũng giảm 0,5%. Như vậy, Đức đã chính thức rơi vào thời kỳ suy thoái kinh tế, được định nghĩa bằng 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp.
Một người dân xách các túi mua sắm trên đường phố Munich - Đức - Ảnh: REUTERS
Theo DW, nguyên nhân chủ yếu là lạm phát gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, gây xói mòn sức mua của người tiêu dùng
Mức tiêu dùng hộ gia đình tại Đức giảm 1,2% trong quý vừa qua, với sự "thắt lưng buộc bụng" xảy ra ở nhiều mặt hàng thiết yếu bao gồm thực phẩm, đồ uống, quần áo, giày dép và đồ nội thất. Người dân Đức cũng ít mua ô tô mới hơn so với quý trước.
Mặc dù xu hướng tăng giá gần đây đã giảm bớt, tỉ lệ lạm phát theo năm được ghi nhận vào tháng 4 vẫn tương đối cao là 7,2%.
"Mùa đông không quá lạnh, hoạt động công nghiệp phục hồi được hỗ trợ bởi việc Trung Quốc mở cửa trở lại và giảm bớt căng thẳng chuỗi cung ứng vẫn không đủ sức đưa nền kinh tế thoát khỏi vùng nguy cơ suy thoái" - nhà kinh tế Carsten Brzeski từ tập đoàn tài chính đa quốc gia ING (Hà Lan) bình luận.
Tình trạng này vẫn là "ít ảm đạm hơn dự kiến" bởi Đức là quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng từ Nga và bị ảnh hưởng lớn từ xung đột Nga - Ukraine. Mùa đông ôn hòa đã giúp tránh kịch bản tồi tệ nhất là tình trạng thiếu khí đốt đến mức tàn phá nền kinh tế.
Trái lại, hôm 23-5, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) không còn dự báo suy thoái kinh tế sẽ xảy ra với nước Anh trong năm nay, ca ngợi các biện pháp mà chính phủ đã thực hiện nhằm ổn định kinh tế, chống lạm phát, theo Reuters.
IMF dự báo GDP của Anh sẽ tăng 0,4% vào năm 2023 thay vì giảm 0,3% như dự đoán hồi tháng 4, do khả năng phục hồi ngoài mong đợi của nhu cầu, một phần nhờ tăng lương nhanh, chi tiêu chính phủ cao hơn và niềm tin doanh nghiệp được cải thiện.
Bình luận (0)