Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) họp khẩn trong ngày 6 và 7-8 khi dịch bệnh Ebola tiếp tục khuấy đảo Tây Phi, làm ít nhất 1.711 người nhiễm bệnh, trong đó 932 người tử vong tại Sierra Leone, Guinea, Liberia và Nigeria.
Thi thể nạn nhân bị bỏ ngoài đường
Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf vào cuối ngày 6-8 đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài ít nhất 90 ngày trong nỗ lực khống chế sự lây lan của virus chết người này. Phát biểu trên truyền hình, bà Sirleaf cho biết chính quyền sẽ “bảo đảm sự sống còn của đất nước”.
Theo Bộ trưởng Thông tin Liberia Lewis Brown, một số người dân địa phương đã kéo thi thể người thân tử vong vì Ebola ra đường phố vì sợ lây nhiễm.
Giới chuyên gia nhận định với đài BBC rằng cuộc khủng hoảng Ebola ở Liberia ngày một nghiêm trọng bởi nhiều người giữ người thân bị bệnh ở nhà thay vì mang đến trung tâm cách ly.
Một nhân viên y tế cung cấp nước cho một phụ nữ nhiễm virus Ebola
tại một trung tâm điều trị ở TP Kenema - Sierra Leone. Ảnh: REUTERS
Cùng ngày, Nigeria - quốc gia đông dân nhất châu Phi - ghi nhận trường hợp tử vong thứ 2 trong số 7 ca nhiễm mới được xác nhận. Tại Sierra Leone, binh sĩ được điều đến gác tại các bệnh viện để ngăn người thân và bạn bè của bệnh nhân Ebola đưa họ đi mà không có sự đồng ý của bác sĩ.
Trong khi đó, nhà chức trách Ả Rập Saudi cho biết một bệnh nhân có những triệu chứng giống Ebola đã qua đời tại một bệnh viện ở Jeddah sau khi trở về từ Sierra Leone. Nếu được xác nhận, đây sẽ là trường hợp tử vong đầu tiên do Ebola bên ngoài châu Phi. Ngoài ra, một máy bay Tây Ban Nha đã đến Liberia để đưa một nhà truyền giáo bị nhiễm virus Ebola về nước điều trị.
Bất chấp những lời kêu gọi giúp đỡ ngày càng nhiều, Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 6-8 cho rằng vẫn còn quá sớm để gửi thuốc thử nghiệm chữa Ebola đến châu Phi. Thay vào đó, ông kêu gọi các nước có dịch nên tập trung vào những biện pháp y tế công cộng. Ngoài ra, Mỹ đang làm việc với châu Âu và WHO để cung cấp nguồn lực giúp khống chế dịch bệnh, theo tổng thống Mỹ.
Vấn đề đạo đức
Phát biểu của ông Obama được đưa ra sau khi 2 người Mỹ bị nhiễm virus Ebola có những dấu hiệu hồi phục đáng khích lệ nhờ sử dụng loại thuốc thử nghiệm có tên ZMapp của Công ty Mapp Biopharmaceutical (Mỹ).
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định vẫn còn quá sớm để nói về tác dụng của ZMapp, vốn mới được thử nghiệm trên khỉ trước đó. Một vấn đề khác là loại thuốc này chưa được sản xuất với số lượng lớn.
Theo Reuters, việc xác định loại thuốc thử nghiệm có thể dùng để điều trị bệnh nhân Ebola tốt nhất đang khiến các chuyên gia y tế đau đầu. Ngoài Mapp Biopharmaceutical, một số công ty như Tekmira Pharmaceuticals (Canada) và Profectus BioSciences (Mỹ) cũng đang thử nghiệm thuốc chữa Ebola.
WHO cho biết vào tuần tới sẽ thảo luận vấn đề đạo đức trong vấn đề sử dụng thuốc điều trị Ebola chưa được thử nghiệm đầy đủ trên con người. Trong cuộc họp khẩn nêu trên, WHO cũng bàn về việc có xem dịch Ebola là tình trạng sức khỏe khẩn cấp toàn cầu hay không.
Nhiều nước trên thế giới đã tăng cường các biện pháp ngăn chặn virus Ebola. Chính phủ Hy Lạp khuyến cáo công dân không nên đến 4 nước Tây Phi đang có dịch, đồng thời đẩy mạnh kiểm tra, giám sát người nhập cảnh.
Bộ Y tế Malaysia quyết định kiểm tra kỹ hơn tình trạng sức khỏe những người đến từ Philippines, Mỹ và Anh. Còn tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đã ban bố báo động cấp cao nhất trong đối phó dịch Ebola.
Bình luận (0)