NATO nhất trí tại Hội nghị Thượng đỉnh kéo dài hai ngày qua tại Warsaw rằng sẽ tăng cường hiện diện quân sự tại sườn phía Đông để đáp trả việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine năm 2014 và ủng hộ phe nổi dậy ở miền Đông Ukraine.
Tuy nhiên, rõ ràng là sau hơn 2 năm áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế chống Nga, một vài nước thành viên NATO cũng như Liên minh châu Âu (EU) đang thúc đẩy lập trường mềm dẻo hơn với Nga, trong lúc mất kiên nhẫn với điều mà họ xem là quá trình hiện đại hóa nền kinh tế, chống tham nhũng diễn ra chậm chạp ở Ukraine.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (trái) và ông Jens Stoltenberg, Tổng thư ký NATO. Ảnh: Reuters
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hôm 9-7, ông Jens Stoltenberg - Tổng thư ký NATO - cho biết Nga phải ngừng ngay việc hỗ trợ chính trị, quân sự, tài chính cho quân ly khai phía Đông Ukraine. “Chúng tôi ủng hộ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Ukraine. Chúng tôi không và sẽ không công nhận sự sáp nhập bất hợp pháp của Crimea vào Nga và lên án hành động cố tình gây bất ổn của Nga ở miền Đông Ukraine” – ông Stoltenberg nhấn mạnh.
Ông nói thêm rằng NATO sẽ tăng cường hỗ trợ Kiev cải thiện khả năng quân sự nước này. “Những quyết định này cho thấy NATO vẫn luôn bên cạnh Ukraine" – Tổng thư ký NATO nói. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh việc Ukraine xin gia nhập NATO, trở thành thành viên cuối cùng tổ chức này, vốn được hứa hẹn từ năm 2008, chưa được bàn tới lúc này.
Bên cạnh những lời lẽ thân thiện, Kiev đang đứng trước áp lực ngày càng tăng của phương Tây để phân cấp quyền lực và tổ chức bầu cử tại miền Đông Ukraine. Các kế hoạch hòa bình cho khu vực này cũng như thỏa thuận ngừng bắn thông qua thương lượng tại Minsk giữa Ukraine, Nga, Đức, Pháp đã bị đình trệ nhiều tháng.
Pháp và Đức hiện nối lại nỗ lực để thỏa thuận trên được thực thi trọn vẹn. Theo đó, Kiev phải trao quy chế pháp lý đặc biệt cho miền Đông thông qua cải cách hiến pháp. Nga có nghĩa vụ giúp Ukraine giành quyền kiểm soát biên giới phía Đông, lực lượng chính phủ Ukraine và phe nổi dậy rút vũ khí hạng nặng, đảm bảo lệnh ngừng bắn có hiệu lực.
Một quan chức Nhà Trắng nói các lãnh đạo Mỹ, Đức, Pháp, Ý đã gặp riêng lãnh đạo Ukraine bên lề hội nghị để bày tỏ ủng hộ nước này.
Hỗ trợ Ukraine nhưng NATO và EU vẫn đang có xu hướng bớt căng thẳng với Nga, khiến viễn cảnh gia nhập NATO của Ukraine thêm xa vời. Một dấu hiệu cho thấy sự tan băng là Nga - NATO sẽ gặp nhau tại Brussels trong tuần sau. Đây là cuộc gặp thứ 2 giữa hai bên kể từ vụ sáp nhập Crimea và tình hình Ukraine dự kiến là một trong những nội dung được thảo luận.
Phó Thủ tướng Ukraine, bà Ivanna Klympush-Tsintsadze nói NATO sẽ hưởng lợi từ kinh nghiệm của Kiev trong "cuộc chiến chống lại Moscow" trên đất nước họ. Bà bảo vệ tiến trình cải cách của Kiev và hơi thất vọng với những chỉ trích từ phương Tây. Bà cho rằng việc Ukraine không được gia nhập NATO sẽ tác động tiêu cực đến an ninh khu vực.
Bình luận (0)