Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại một cuộc họp báo: “Hôm nay, chúng tôi đã ra quyết định quan trọng về khả năng vận hành hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tại châu Âu. Điều đó có nghĩa là từ giờ trở đi, các tàu chiến Mỹ đóng tại Tây Ban Nha, các trạm radar đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ và hệ thống lá chắn tên lửa đặt tại Romania có thể hoạt động cùng nhau dưới sự chỉ huy thống nhất của NATO”.
Được giới thiệu như là một phương thức bảo vệ chống lại bất kỳ cuộc tấn công của một “quốc gia nào" nhằm vào các thành phố châu Âu, lá chắn tên lửa vẫn bị xem là vấn đề nhạy cảm nhất trong sự hỗ trợ quân sự của Mỹ dành cho châu Âu. Nga cho rằng trên thực tế hệ thống trên nhằm đối phó kho vũ khí hạt nhân của Moscow nhưng Washington bác bỏ nhận định này.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg Ảnh: WORLDBULLETIN.NET
Ông Stoltenberg cũng nhấn mạnh lắ chắn tên lửa chỉ nhằm phòng vệ, không hề là mối đe dọa đến năng lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược của Nga. Phía Washington hy vọng việc bàn giao quyền kiểm soát cho NATO không chọc giận Nga bởi các thành viên NATO không có lý do gì để khiêu khích Nga - nhà cung cấp năng lượng chủ yếu của họ.
Hệ thống được chuyển giao vào thời điểm NATO chuẩn bị lực lượng răn đe mới tại Ba Lan và vùng Baltic sau vụ Nga sáp nhập Crimea năm 2014. Đáp lại, Moscow đang củng cố hai bên sườn phía Tây và phía Nam với 3 sư đoàn mới.
Pháp, nước đang dẫn đầu các nỗ lực ngoại giao cùng với Nga và Đức để mang lại hòa bình cho miền Đông Ukraine, đã yêu cầu có những bảo đảm rằng sự kiểm soát của lá chắn thực sự được chuyển giao cho NATO, chứ không nằm dưới sự quản lý của tướng Mỹ.
Nỗi lo của Pháp là tướng Mỹ sẽ có quá nhiều quyền trong lúc xảy ra khủng hoảng tên lửa, đe dọa khiến căng thẳng thêm leo thang.
Bình luận (0)